Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mâm ngũ quả ngày Tết của ba miền Bắc, Trung, Nam khác nhau thế nào

Trên bàn thờ tổ tiên của người Việt ngày Tết thường có trưng bày mâm ngũ quả. Ba miền Bắc, Trung, Nam có cách bày biện mâm ngũ quả khác nhau.

Tục thờ kính tổ tiên ngày Tết của người Việt không rõ có tự bao giờ nhưng qua Truyện bánh chưng (Chưng bính truyện) trong sách Lĩnh Nam Chích Quái thì tục thờ kính tổ tiên ngày Tết ít nhất có từ đời vua Hùng thứ VI: “Đúng kỳ, Vua lệnh các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có chàng Liêu đem dâng bánh chưng, bánh giầy. Chàng Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vua thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vua khen ngợi giây lát, rồi cho chàng Liêu được giải nhất. Năm hết, vua dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của chàng Liêu để gọi là Tết Liêu.”

Từ ngày 23 Tết cho đến sáng 30 Tết, con cháu tề tựu về gia đình và chia nhau quét dọn mồ mả, chuẩn bị bàn thờ tổ tiên, để trưa 30 Tết thắp nhang mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Việc dọn dẹp mồ mả phải được chuẩn bị trước trưa 30 Tết, vì trong ba ngày Tết sẽ mắc vào những điều kiêng cữ, ví dụ có người đàn bà góa ca cẩm than phiền hàng xóm vì sự chểnh mảng và không biết giữ ý của mình:

Xóm mần răng, xóm mần ri, ở chi quá tệ! Ba mươi mồng một Tết, tôi mượn cái cuốc giẫy mả chồng không cho Hai tay bụm đất đắp mồ, lòng sầu dạ thảm biết thuở mô gặp chàng? (Ca dao)

Mồng một Tết là ngày con cháu cúng tổ tiên đầu năm. Lệ ấy được thể hiện qua câu ca dao sau:

Chiều ba mươi anh không đi Tết Rạng ngày mồng một, anh không đi đến lạy bàn thờ / Hiếu trung mô nữa mà bảo em chờ uổng công / Hôm ba mươi anh mắc lo việc họ / Sáng mồng một anh bận lo việc làng / Ông bà bên anh cũng bỏ, huống chi bên nàng, nàng ơi! (Ca dao)

Trên bàn thờ tổ tiên của người Việt ngày Tết thường có trưng bày mâm ngũ quả. Ba miền Bắc, Trung, Nam có cách bày biện mâm ngũ quả khác nhau.

- Mâm ngũ quả miền Bắc thường được bày biện theo triết lý ngũ hành với ngũ sắc: trái cây màu trắng thuộc hành Kim (trái lê, trái roi), trái cây màu xanh thuộc hành Mộc (nải chuối), trái cây màu đen thuộc hành Thủy (mận, nho), trái cây màu đỏ thuộc hành Hỏa (dưa hấu, hồng, quýt), trái cây màu vàng thuộc hành Thổ (bưởi, cam, quất, phật thủ).

- Mâm ngũ quả miền Trung thường được chọn tự nhiên, như: thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, cam, quất, quýt, thơm.

- Mâm ngũ quả miền Nam thường được chọn với mong muốn "cầu sung vừa đủ xài": trái mãng cầu, trái dừa (âm "vừa" theo phương ngữ Nam Bộ), trái đu đủ, trái xoài (âm "xài" theo phương ngữ Nam Bộ).

Nguyễn Hạnh/ NXB Trẻ

SÁCH HAY