"Đã xuất hiện khả năng việc tham gia bị 'chính phủ ngầm' và các tổ chức chính trị bí mật chi phối nhằm lôi kéo người dân xuống đường biểu tình", Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah giải thích về quyết định rút phê duyệt Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) của chính phủ Malaysia.
Cụm từ "chính phủ ngầm" thường ám chỉ những tác nhân bí mật trong hệ thống an ninh và chính trị quốc gia, tìm cách làm suy yếu chính phủ hợp pháp, theo Straits Times.
"Tôi chỉ có thể nói khái quát như vậy và xin để nhân dân quyết định", ông Saifuddin trả lời trên tờ Malay Mail đăng tải ngày 7/4.
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah, trưởng ban thư ký đảng Pakatan Harapan cầm quyền. Ảnh: Straits Times. |
Ngoại trưởng kiêm trưởng ban thư ký đảng Pakatan Harapan (PH) cầm quyền của Malaysia cho biết nhiều nhân vật bất đồng chính kiến đã tiến hành các bước đi chính trị nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ các nhà quân chủ nước này. Ông cho biết vụ việc còn có sự tham gia của một số thành viên trong hoàng gia Malaysia.
Thủ tướng Mahathir Mohamad ngày 5/4 thông báo chính phủ đã rút quyết định phê duyệt Quy chế Rome chỉ một tháng sau khi ký kết tham gia ICC. Ông tiết lộ quyết định nhằm đối phó sức ép khi nhiều đảng tìm cách chính trị hóa vấn đề, theo The Star.
Nhiều chính trị gia phe đối lập và thành viên hoàng gia cho rằng việc tham gia ICC đe dọa quyền hành của các nhà quân chủ. Nội các của Thủ tướng Mahathir đã thảo luận kỹ lưỡng vấn đề này trong cuộc họp ngày 5/4 trước khi rút phê duyệt tham gia ICC.
"Quyết định này không phải vì chúng tôi phản đối quy chế Rome, mà bởi sự hỗn loạn chính trị do các nhóm lợi ích gây ra khi công nhận quy chế này", thủ tướng Malaysia cho biết.
Một nguồn thạo tin của The Star cho biết đảng PH chấp nhận nhượng bộ để trấn an dư luận sau khi phe đối lập "sử dụng vấn đề các nhà quân chủ Malaysia, tôn giáo và sắc tộc để kích động những bức xúc chính trị".
Tờ Malay Mail cho biết cuộc họp của chính phủ Malaysia về ICC hôm 5/4 còn có sự tham gia của Thái tử Ismail Obrahim, một nhân vật thường xuyên chỉ trích Quy chế Rome.