Các lô hàng rác không mong muốn đã tìm đường tới Đông Nam Á kể từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu chất thải nhựa vào năm 2018 nhưng Malaysia và các nước đang phát triển khác đang quyết chống trả.
Bộ trưởng Môi trường Yeo Bee Yin cho biết 110 container khác dự kiến sẽ được gửi trở lại vào giữa năm nay.
Bà Yeo cho biết việc hồi hương thành công tổng số 3.737 tấn rác thải là kết quả thực thi các quy định nghiêm ngặt tại các cảng quan trọng của Malaysia để ngăn chặn việc buôn lậu chất thải và đóng cửa hơn 200 nhà máy tái chế nhựa bất hợp pháp.
Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin, thứ ba từ trái sang, kiểm tra một thùng chứa chất thải nhựa tại cảng ở Butterworth, Malaysia, ngày 20/1. Ảnh: AP. |
Bộ Môi trường cho biết trong số 150 container, 43 chiếc đã được trả về Pháp, 42 chiếc cho Vương quốc Anh, 17 chiếc cho Mỹ, 11 chiếc cho Canada, 10 chiếc cho Tây Ban Nha và phần còn lại đến Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Bangladesh, Sri Lanka và Litva.
Bà cho biết chính phủ Malaysia đã không trả một xu, với chi phí gửi lại rác thải do các hãng tàu và công ty chịu trách nhiệm nhập khẩu và xuất khẩu chịu hoàn toàn.
Bà Yeo cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra với chính quyền Mỹ để lấy lại 60 container khác trong năm nay. Canada cũng có thêm 15 container, Nhật Bản 14, Anh 9 và Bỉ 8 từ 110 container nữa vẫn đang được giữ tại các cảng của Malaysia.
"Những người muốn thấy chúng tôi trở thành bãi rác của thế giới cứ mơ đi", bà Yeo nói với các phóng viên khi kiểm tra cảng ở phía bắc bang Penang.
Bà Yeo cho biết chính phủ sẽ khởi động kế hoạch hành động về nhập khẩu nhựa bất hợp pháp vào tháng tới, giúp các cơ quan khác nhau phối hợp thực thi và đẩy nhanh quá trình trả lại rác thải.
"Quan điểm của chúng tôi rất cứng rắn. Chúng tôi chỉ muốn gửi lại rác thải và đưa ra thông điệp rằng Malaysia không phải là chỗ đổ rác của thế giới", bà nói thêm.