Rác thải nhựa đang tích tụ với khối lượng lớn trên đất liền và bị vứt xuống biển ở khắp nơi trên thế giới. Riêng các nước châu Á đang bị chỉ trích nhiều vì chưa giải quyết được vấn đề này.
Các nhà nghiên cứu tại Singapore cho biết họ đã chuyển nhựa thành axit fomic, có thể dùng để phát điện trong nhà máy điện, bằng cách sử dụng một chất xúc tác vừa không tốn kém, vừa không gây hại cho môi trường.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đã hòa nhựa với một chất hóa học để tạo thành dung dịch. Dung dịch này có thể phân hủy dưới ánh sáng Mặt Trời nhân tạo.
Các nước trên thế giới đang chiến đấu với số lượng lớn rác thải nhựa. Ảnh: AFP. |
Nhựa bị phân hủy trong vòng 6 ngày, và các nhà khoa học hy vọng quá trình này có thể diễn ra trong tương lai nhờ ánh nắng Mặt Trời tự nhiên.
“Chúng ta đã có thể biến nhựa, vốn đang đầu độc các đại dương, thành chất hóa học có ích”, Soo Han Sen, người đứng đầu dự án nghiên cứu kéo dài hai năm ở NTU, cho biết.
“Chúng tôi đang hy vọng biến đây trở thành quá trình hoàn toàn bền vững, trung tính về carbon (tức lượng carbon phát thải cân bằng với lượng carbon loại bỏ khỏi khí quyển - PV)”.
Nhựa được cho vào hóa chất tạo thành một dung dịch có thể phân hủy dưới ánh sáng Mặt Trời nhân tạo. Các nhà khoa học ở Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore đang hy vọng lặp lại quy trình này với ánh sáng mặt trời tự nhiên. Ảnh: AFP. |
Các biện pháp tái chế nhựa khác thường đòi hỏi nhựa phải được nung chảy, tức sẽ tốn thêm nhiên liệu và tạo ra khí gây hiệu ứng nhà kính, làm tổn hại tới khí hậu.
Giải pháp trên mới chỉ chuyển hóa được một lượng nhựa nhỏ thành axit fomic, và ông Soo thừa nhận rằng sẽ có nhiều thách thức nếu muốn tăng quy mô.
Sẽ cần thêm sức người, tiền của để phát triển giải pháp này, và tới nay, các nhà khoa học mới chỉ thí nghiệm trên nhựa nguyên chất, và chưa thử nghiệm với rác thải nhựa.
Nhựa được chuyển thành axit fomic, có thể được dùng cho nhà máy điện. Ảnh: AFP. |