Tàu khu trục lớp Lekiu của Malaysia trong một cuộc diễn tập cùng tàu sân bay USS George Washington của Mỹ. Ảnh: Wikimedia |
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein khiến dư luận xôn xao khi tuyên bố: nếu các báo cáo của Bộ Quốc phòng về hoạt động xây dựng và triển khai thiết bị quân sự của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa là đúng sự thật, "chúng ta sẽ buộc phải phản kháng lại Trung Quốc".
Ông Hishammuddin Hussein còn tiết lộ các nỗ lực của ông nhằm gặp gỡ với những người đồng cấp từAustralia, Philippines và Việt Nam để thảo luận về các hành vi quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.
Phát biểu của bộ trưởngQuốc phòng Malaysia gây chấn động bởi trước đó, các bộ trưởng nước này thường tỏ ra thận trọng khi đề cập đến vai trò của Trung Quốc trên vùng biển này.
Trên thực tế, sự thay đổi đã bắt đầu từ tháng 6/2015, khi nghị sĩ kiêm Bộ trưởng An ninh Quốc gia Shahidan bin Kassim, người đứng đầu Cơ quan Thực thi pháp luật hàng hải Malaysia (MMEA), lên tiếng cảnh báo về việc tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập cụm bãi cạn South Luconia. Ông cũng cho biết MMEA đã triển khai các tàu tới bãi cạn này để bảo vệ an ninh.
Tháng 11/2015, Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cũng khẳng định Malaysia "sẽ không im lặng khi một cường quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi".
Những phản ứng của Malaysia khiến cho nhiều chuyên gia khu vực nhận định rằng Kuala Lumpur đang thay đổi lập trường, trở nên ngày càng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, thậm chí là "quyết đoán một cách bất thường".
Trung Quốc ngày càng hung hăng
Báo Malay Mail Online dẫn lời chuyên gia Scott Bentley từ Học viện Quốc phòng Australia và Tang Siew Mun của Viện nghiên cứu IEAS-Yusof Ishak của Malaylsia nhận định nguyên nhân đầu tiên chính là việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông.
Thời gian qua, Bắc Kinh liên tục triển khai tàu cá và tàu bán quân sự hoạt động gần bờ biển Malaysia, đặc biệt tại khu vực bãi cạn Nam Luconia (cách bờ biển Sarawak của Malaysia 84 hải lý).
Tháng 8/2012, 2 tàu hải giám Trung Quốc chạm trán với các tàu khảo sát của Malaysia ở khu vực bãi cạn James và cụm bãi cạn South Luconia. Tình báo Mỹ bắt đầu mô tả tình hình ở cụm bãi cạn South Luconia là "một thách thức mới trong khu vực".
Truyền thông Malaysia cũng cáo buộc tàu bán quân sự Trung Quốc dùng vũ lực để đuổi các tàu cá Malaysia ra khỏi bãi cạn South Luconia, khiến cuộc sống của ngư dân địa phương trở nên vô cùng khó khăn.
Bãi cạn Luconia, nơi tàu Trung Quốc đang neo đậu trái phép, tháng 6/2015. Ảnh: Theasianforum |
Ông Jamali Basri, chủ tịch một hiệp hội ngư dân địa phương, lên án chính sách "ngoại giao tàu chiến" của Trung Quốc đã dẫn tới kết quả là chỉ có các tàu cá Trung Quốc mới có thể hoạt động ở khu vực bãi cạn South Luconia.
Cuối tháng 12/2015, người dân Malaysia đã biểu tình trước cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Kuching để phản đối hành vi "hiếu chiến" của Bắc Kinh.
Nhà phân tích cao cấp Shahriman Lockman mô tả về một "hiện thực mới", theo đó các động thái cải tạo của Trung Quốc trên Biển Đông "chắc chắn sẽ đưa hoạt động của các lực lượng trên biển của Trung Quốc tới gần Malaysia hơn bao giờ hết".
"Phản kháng" như thế nào?
Giới quan sát nhận định rõ ràng việc Malaysia tỏ ra "hiền lành" với Trung Quốc không đem lại kết quả tích cực nào về vấn đề Biển Đông. Thậm chí, sự nhượng bộ của Kuala Lumpur dường như càng tạo điều kiện cho Bắc Kinh được thể lấn tới. Sức ép của dư luận khiến chính quyền Malaysia khó có thể bưng mắt bịt tai trước những hành vi gây hấn của Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho rằng sự "phản kháng" mà Bộ trưởng Hishammuddin Hussein nhắc đến cho thấy Kuala Lumpur quyết tâm gửi thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng Malaysia sẽ quyết bảo vệ lợi ích hàng hải quốc gia.
Bằng chứng là mới đây, Bộ Quốc phòng Malaysia đã tuyên bố thành lập một căn cứ hải quân mới ở Bintulu, Sarawak, và một đơn vị lính thủy đánh bộ. Mục tiêu là củng cố khả năng bảo vệ chủ quyền của Malaysia ở Biển Đông.
Ngoài ra, nhiều khả năng Malaysia sẽ chú trọng nhiều hơn vào các thỏa thuận an ninh và quốc phòng bên ngoài ASEAN, bao gồm cả Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) với các nước như Australia, đồng thời tăng cường quan hệ song phương với Mỹ.
Tuy nhiên, xét theo góc độ địa chiến lược, có thể thấy Malaysia vẫn khó có thể thực thi một chiến lược đối đầu dài hạn đối với Trung Quốc.
Chuyên gia Tang Siew Mun cho rằng Kuala Lumpur cũng không muốn làm điều đó. Bởi Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và quốc gia Đông Nam Á sẽ thiệt hại nặng nề nếu quan hệ thương mại song phương chao đảo.
Mặc dù vậy, các phản ứng mới đây cho thấy Malaysia đã bắt đầu xem xét lại việc có nên đánh đổi lợi ích chính trị và chiến lược vì lợi ích kinh tế hay không. Tuyên bố "phản kháng" thể hiện rằng Kuala Lumpur đã bắt đầu coi trọng lợi ích chiến lược hơn.