Bãi cạn Scarborough, thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 2012. Ảnh: CSIS |
Ngày 17/3, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, cho biết một số tàu của Trung Quốc đang hoạt động quanh bãi cạn Scarborough nước này chiếm của Philippines năm 2012. Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở bãi Scarborough giống như đã làm với bảy bãi đá và rạn san hô trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ Trần Viện Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, cho biết việc bồi lấp bãi cạn Scarborough nằm trong sự tính toán từ lâu của Trung Quốc. Chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines hay các thực thể trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam giúp Trung Quốc xây dựng tam giác chiến lược để kiểm soát khu vực. Nó tạo ra cho Trung Quốc tế chân vạc trên Biển Đông. Chính vì thế, giới chuyên gia Mỹ và Nhật Bản cảnh báo không sớm thì muộn, Trung Quốc cũng sẽ cải tạo Scarborough.
Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh quyết định tiến hành việc cải tạo Scarborough vào thời gian này, lý do có thể là việc Tòa Trọng tài chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, trong đó có việc chiếm đóng bãi cạn này. Nhiều khả năng, phán quyết của tòa sẽ gây bất lợi cho phía Trung Quốc nên họ phải tạo ra một “sự đã rồi” nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.
Nếu Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa thành công Scarborough, thế chân vạc của Bắc Kinh sẽ được hình thành. Kết hợp với các căn cứ quân sự phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc sẽ kiểm soát hoàn toàn tuyến hàng hải trên Biển Đông cũng như không phận phía trên tuyến hàng hải huyết mạch này.
Tiến sĩ Trần Việt Thái,
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao . Ảnh: Hồng Duy |
“Trung Quốc cải tạo Scarborough chắc chắn nằm trong sự tính toán của Philippines, Mỹ hay Nhật Bản. Tuy nhiên, các biện pháp đáp trả có thể dẫn tới các động thái quân sự, làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Chúng tôi vẫn đang theo dõi các diễn biến tiếp theo trên thực địa để có thể đưa ra những dự đoán chính xác nhất”, Tiến sĩ Trần Việt Thái khẳng định.
Cũng theo ông Thái, Mỹ và Trung Quốc khó có khả năng đụng độ trên Biển Đông. Tuy nhiên, hai bên sẽ tiếp tục gia tăng mức độ của các hành động mà họ đang thực hiện. Mỹ sẽ không ngồi yên nhìn Trung Quốc liên tục bồi lấp, lấn chiếm Biển Đông trong khi Bắc Kinh không có ý định dừng lại. Tình trạng này có thể làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc và ảnh hưởng tới khu vực.
Trên thực tế, việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo trên Biển Đông là hành động cực kỳ nguy hiểm. Nó có thể trở thành ngòi nổ cho cuộc chạy đua trong khu vực nhằm ngăn chặn các động thái của Bắc Kinh. Chúng sẽ gây bất lợi cho việc duy trì an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.
Những việc làm của Trung Quốc là cực kỳ đáng lên án, đi ngược lại với Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) cũng như cam kết của lãnh đạo Trung Quốc. "Chúng ta cần công khai thông tin về việc làm của Bắc Kinh cũng như đưa các vấn đề này ra những hội nghị quốc tế nhằm xử lý vấn đề thông qua các kênh ngoại giao", tiến sĩ Trần Việt Thái kêu gọi.