Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân cả nước lo lắng, bất bình trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Cụ thể, việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân...
Những hành động này "làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC)".
Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, tăng cường công tác đối ngoại và thông tin kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình Biển Đông.
Toàn cảnh hội trường Quốc hội sáng 21/3. |
Nhiều vấn đề nóng khác cũng được nêu trong tổng hợp ý kiến cử tri trước quốc hội bao gồm sự tràn lan của thực phẩm bẩn, tinh trạng kinh doanh đa cấp, gói tín dụng 30.000 tỷ, hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, về sản xuất kinh doanh và quản lý thị trường, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn phức tạp. Việc sử dụng chất cấm trong nông nghiệp dù đã được thông tin, tăng nhận thức nhưng tình hình vẫn nghiêm trọng.
Cử tri kiến nghị cần tăng giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, đồng thời rà soát bổ sung quy định.
Tình hình kinh doanh đa cấp lừa đảo, phạm vi ảnh hưởng lớn, chậm bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Cần thắt chặt quản lý kinh doanh, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến bán hàng đa cấp.
Liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỷ, ông Nhân cho hay, nhiều người dân khi ký hợp đồng tín dụng không hiểu rõ nội dung và thời hạn, một số ngân hàng không giải thích đầy đủ cho, khiến dân bất ngờ, lúng túng.
Cử tri kiến nghị rà soát việc triển khai gói tín dụng đồng thời cân nhắc để người dân được hưởng lãi suất ưu đãi như mức ban đầu, nhằm ổn định cuộc sống.
Ghi nhận cố gắng của ngành y tế trong giảm tải bệnh viện, đổi mới hướng tới sự hài lòng của dân, nhưng người dân băn khoăn việc tăng phí dịch vụ y tế. Người dân kiến nghị cải thiện chất lượng y tế.
Người dân cũng lo lắng trước biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra khốc liệt: hạn hán, xâm nhập mặn… Nguy cơ 300.000 ha đất ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hạn mặn, đời sống bị ảnh hưởng nặng nề đang hiện hữu.
Người dân đề xuất hỗ trợ nhân dân gắn với giải pháp căn cơ lâu dài, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, phối hợp với các nước láng giềng cùng ứng phó biến đổi khí hậu. Mặt trận Tổ quốc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp nghiên cứu, triển khai khẩn trương, quyết liệt để ứng phó, trước hết là hạn mặn.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng đề nghị Chính phủ, bộ ngành khẩn trương tận dụng cơ hội và hạn chế khó khăn do các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mang lại, nhất là hoàn thiện thể chế, tuyên truyền về FTAs cho nhân dân nhất là doanh nhân.
Trong giai đoạn bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, cần lãnh đạo, chỉ đạo… để bầu cử theo đúng pháp luật. Cần tạo điều kiện để các cuộc tiếp xúc của ứng viên với cử tri, chọn người xứng đáng.