Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia

Báo cáo của Chính phủ cho hay, trong 5 năm 2011-2015, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nhân dân được nâng lên, chủ quyền quốc gia được giữ vững.

Sáng 21/3, tại phiên khai mạc kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2015 đạt 6,68%, cao nhất kể từ 2008.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015; mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với cuối năm 2011.

pho thu tuong Nguyen Xuan Phuc anh 1

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: 

Quochoi.vn.

Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 5,91%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người 2.109 USD

Báo cáo của Chính phủ nhìn nhận, trong 5 năm 2011-2015 Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững.

"Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố và gắn kết chặt chẽ hơn. Sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được nâng lên" - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Nợ Chính phủ vượt giới hạn quy định

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chính phủ cũng nhìn nhận những mặt hạn chế yếu kém như phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng. Một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP.

"Nợ công tăng nhanh áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%)" - Phó thủ tướng nói.

Ngoài ra, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ việc sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Đóng góp của khu vực kinh tế trong nước vào tăng trưởng xuất khẩu thấp. Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển thiếu bền vững. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại còn phức tạp.

Đặc biệt, Tăng trưởng GDP thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, nhất là nông sản. Số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế còn ít, tăng chậm; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thấp.

Việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam chưa đạt yêu cầu; nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống gây bức xúc; tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Quản lý văn hoá nghệ thuật, lễ hội, thể dục thể thao, thông tin, báo chí có mặt còn bất cập. 

Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ có mặt còn chồng chéo; tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà.

Tiềm lực quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng được yêu cầu. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức

GDP bình quân đầu người 3.200-3.500 USD

Dự báo tình hình trong 5 năm tới (2016-2020), Chính phủ cho biết, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta. 

Chính phủ đề ra Mục tiêu tổng quát cho Kế hoạch 5 năm tới là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể được trong nhiệm kỳ 2016-2020 là đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%.

Dẫn số liệu báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, "khoảng cách phát triển của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn lớn". Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam là 2.052 USD, trong khi đó Singapore là 56.287 USD; Malaysia 10.830 USD; Thái Lan  5.561 USD; Indonesia là 3.515 USD.

Nêu lên 14 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ nhấn mạnh việc, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy nhà nước, bảo đảm tinh gọn, trong sạch vững mạnh. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, kiện toàn mô hình tổ chức cơ quan chuyên trách và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí. Tăng cường giám sát và phòng chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. 

Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tân Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ tuyên thệ tại Quốc hội

Sáng 21/3, Quốc hội bước vào kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, với hơn 10 ngày dành cho công tác nhân sự. Trong đó, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều được bầu mới.




Công Khanh

Bạn có thể quan tâm