Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 2/5 tại Kuala Lumpur, quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia, ông Hishammuddin Hussein, cho biết, giả thuyết về việc máy bay đang nằm ở Vịnh Begal chỉ có thể được xác nhận bằng việc cử tàu tới đó. Khoảng cách giữa Vịnh Begal và khu vực tìm kiếm ở phía nam Ấn Độ Dương là 5.000 km, CNN đưa tin.
Hoạt động tìm kiếm chuyến bay MH370 vẫn diễn ra tại vùng biển phía nam Ấn Độ Dương. Ảnh: Reuters |
“Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta phái tàu tới Vịnh Begal, có thể hoạt động tìm máy bay tại khu vực chính sẽ giảm. Và nếu kết quả không khả quan thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự lãng phí thời gian?”, ông Hussein đặt vấn đề.
Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia nhận định khả năng tìm thấy chiếc máy bay tại Vịnh Begal “không cao” nhưng ông vẫn chưa quyết định liệu Malaysia nên điều tàu tới đó hay không.
3 ngày trước công ty thám hiểm đại dương GeoResonance của Australia tuyên bố có thể họ đã thấy mảnh vỡ của máy bay tại Vịnh Begal. Tuy nhiên, ngay lập tức, Trung tâm phối hợp tìm kiếm của Australia (JAAC) bác bỏ thông tin này. Người phát ngôn của JAAC nói rằng “địa điểm mà GeoResonance thông báo không nằm trong khu vực tìm kiếm, cứu nạn của Australia”.
Hôm 1/5, chính phủ Malaysia công bố bản báo cáo sơ bộ gồm 5 trang về sự biến mất của chuyến bay MH370.
Theo báo cáo, các kiểm soát viên không lưu không nhận máy bay đang mất tích cho đến 17 phút sau khi nó biến mất khỏi radar dân sự lúc 1h21 ngày 8/3. Đến 1h38, trạm kiểm soát không lưu Việt Nam cảm thấy nghi ngờ và thông báo với trạm kiểm soát không lưu Kula Lumpur rằng họ không thể liên lạc với phi công của MH370 và máy bay không hiện trên radar của Việt Nam.
Hãng Malaysia Airlines khuyên người thân của các hành khách nên rời khỏi khách sạn và trở về nhà để chờ đợi thông tin về chiến dịch tìm chiếc máy bay. Ảnh: REX. |
Báo cáo cho biết, nhà chức trách Malaysia không phát động chiến dịch tìm máy bay. Chỉ sau khi những nỗ lực định vị thất bại, vào lúc 5h30, các hoạt động nhằm xác định tung tích MH370 mới diễn ra.
Chính phủ Malaysia cũng công bố các bản ghi âm cuộc trao đổi giữa buồng lái MH370 và kiểm soát viên không lưu, cũng như tài liệu liên quan đến hàng hóa mà máy bay vận chuyển.
Trong một tuyên bố hôm 1/5, Hussein cho biết, nhà chức trách đã xem dữ liệu từ radar quân sự vài giờ sau khi máy bay biến mất khỏi radar dân sự. Vào lúc đó họ mới phát hiện phi cơ quay lại theo hướng phía tây dọc theo bán đảo Malaysia.
Lý giải về việc radar quân sự không tiếp tục theo dõi máy bay khi nó quay đầu, ông Hishammuddin cho biết: “Những người vận hành radar đánh giá điều kiện hoạt động của máy bay lúc đó là thuận lợi nên họ đã không theo dõi”.
Trong khi đó, hãng hàng không Malaysia Airlines ngày 1/5 cho biết, họ sẽ đóng cửa các trung tâm hỗ trợ gia đình các nạn nhân trên khắp thế giới vào ngày 7/5. Hãng chỉ thiết lập các trung tâm hỗ trợ chính tại hai thành phố Kuala Lumpur và Bắc Kinh, đồng thời cam kết sẽ trả các khoản bồi thường sớm.