Lấy cảm hứng từ hồi ký Maid: Hard Work, Low Pay, and a Mother's Will to Survive của Stephanie Land, loạt phim xoay quanh Alex (Margaret Qualley), người mẹ trẻ bỏ nhà ra đi ngay giữa đêm với cô con gái 3 tuổi Maddy (Rylea Nevaeh Whittet) sau khi bị bạn trai bạo hành.
Chỉ với chưa đến 20 USD phòng thân, cô chật vật tìm việc làm và nơi ở. Sau chuỗi ngày còng lưng vì manh áo, gánh nặng càng thêm chồng chất khi Sean (Nick Robinson) – bố đứa bé, quyết định đâm đơn giành quyền nuôi con.
Sự lỏng lẻo trong luật bạo hành Mỹ
Ở tập đầu tiên, nhà làm phim khắc họa tình huống ngặt nghèo của Alex, qua màn hình thể hiện số tiền ít ỏi cô có. Mỗi khi Alex lấy một món đồ trong cửa hàng, số tiền ấy ít dần đi, khiến cô phải tìm cách giảm bớt nhu cầu sinh hoạt của hai mẹ con.
Để đủ điều kiện nhận phiếu thực phẩm hoặc phiếu thuê nhà, người mẹ trẻ cần chứng minh mình có việc làm. Để kiếm việc làm, cô cần gửi Maddy đi nhà trẻ. Để trả tiền giữ trẻ, cô cần một nguồn thu nhập. Dù chỉ mới tìm hiểu về tình trạng "bình thường mới" của mình, người giỏi kiềm chế cảm xúc như Alex cũng phải nổi đóa vì vòng lặp không lối thoát này.
Sau khi điền hàng tá biểu mẫu đăng ký, Alex vẫn không thể thoải mái sử dụng các phúc lợi mà cô xứng đáng được nhận. Loạt phim cho thấy những trở ngại mà một người dưới đáy xã hội phải đối mặt, và thách thức những ai cho rằng nghèo là lỗi của họ.
Trên hết, Alex còn là nạn nhân của xâm hại tinh thần - một dạng bạo hành ít được quan tâm và xem trọng so với bạo hành thể xác. Không có thương tích trên cơ thể hoặc lịch sử báo cáo cảnh sát trước đó, bang Washington không xem Alex là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chính cô ban đầu cũng không coi mình là nạn nhân: Alex nhất quyết từ chối đến sống tại khu nhà cho người bị bạo hành, vì cô không bị đánh.
Bạo hành mang rất nhiều hình hài khác nhau, còn các nhân vật trong phim lại tránh nói về nó. |
Tại phiên tòa giành quyền nuôi con, người mẹ hoàn toàn bị lạc lối giữa các từ vựng chuyên môn. Không có kiến thức cũng như sự chuẩn bị, cô trả lời ngô nghê và gặp nhiều bất lợi khi tay luật sư của Sean cố chèo lái vụ việc, đổ hết mọi tội lỗi về phía Alex.
Vượt qua nghịch cảnh
Quyết định thay đổi cuộc đời của Alex dẫn cô quay về với người mẹ mắc triệu chứng rối loạn lưỡng cực của mình. Dù không tin tưởng mẹ, cô đành phải gửi Maddy cho bà trông hộ để có thể tìm việc. Bà ngoại Paula (Andie Macdowell) dành cả ngày để nói về bản thân mình và không hề lắng nghe những nỗi lo của con.
Cùng là nạn nhân của bạo hành gia đình, lẽ ra Paula phải cảm thông và chia sẻ với con gái. Song, bà chưa hề đặt mình vào tâm tư của Alex. Paula yêu con, nhưng cách thể hiện lại rất kỳ quặc. Sự vô lo, bất cẩn của bà làm Alex chán ngấy; và cũng đã nhiều lấn khiến cô thêm khốn đốn. Tuy vậy, Alex vẫn luôn lo lắng và chăm sóc cho mẹ. Hai diễn viên là hai mẹ con ngoài đời thật, giúp mối quan hệ yêu - ghét trở nên thuyết phục hơn.
Những trải nghiệm tiêu cực với mẹ mình lý giải việc Alex luôn dành tình yêu thương vô bờ bến cho Maddy. Khi không phải làm việc, cô dành thời gian để vui chơi với Maddy, để tâm mọi cảm nhận, trải nghiệm của cô bé. Lúc đầu, Alex phủ nhận Sean đã lạm dụng cô, nhưng bản năng bảo vệ của người mẹ, cũng như sự trăn trở cho tương lai của cô con gái nhỏ đã giúp Alex học được cách đấu tranh chống lại sự đàn áp đó.
Margaret Qualley thu hút nhờ lối diễn giàu cảm xúc. Bằng ánh mắt lộ vẻ nhọc nhằn cùng những phân cảnh cười ra nước mắt, nữ diễn viên sinh năm 1994 khắc họa thành công tính dễ bị tổn thương và sự kiên cường của tầng lớp lao động.
Cô xuất sắc không chỉ trong những cảnh nặng đối thoại, mà còn ở những phân đoạn thiên về cảm xúc - đặc biệt là khi nhân vật có dấu hiệu trầm cảm và suy sụp. Người xem nhanh chóng quan tâm đến Alex, để mọi hành động tử tế nhỏ nhặt mà cô tìm thấy, hay mọi nỗ lực đạt được sự ổn định đều mang lại cảm giác chân thật.
Người đẹp của Once Upon a Time... in Hollywood gây ấn tượng bằng vai diễn mới. |
Trước Maid, Qualley có một số vai diễn đáng nhớ trong phim điện ảnh và truyền hình, nổi bật nhất là của Once Upon a Time... in Hollywood và Fosse/Verdon. Cô được kỳ vọng tạo ra bước đột phá và thời điểm đó cuối cùng đã đến.
Dù khai thác một lúc nhiều vấn đề từ bạo hành tinh thần, sự nghèo đói đến tình mẫu tử, mạch truyện của Maid không hề rối rắm. Loạt phim không sa đà vào những điều tiêu cực mà pha trộn yếu tố hài hước mượt mà.