Tôi sáng tác và hát lên những vấn đề của xã hội
- Cho đến giờ phút này, phản ứng trong giới cũng như dư luận nhìn chung nói sao về MV của chị?
- Thời gian đầu là lúc khó khăn nhất khi đứa con tinh thần của mình chưa được chấp nhận ở một thị trường tương đối truyền thống, khó tính. Một thông điệp sâu sắc lại thể hiện bằng phong cách khác lạ, quá hiện đại so với mặt bằng chung nên bị phê phán là điều không khó hiểu.
Nhưng đến giờ phút hiện nay, có lẽ tôi đã tự tin hơn rất nhiều khi có rất nhiều các ý kiến bênh vực, khen ngợi, cảm thụ được thông điệp mà mình muốn truyền tải.
MV Tự sướng của Mai Khôi vừa ra mắt đã gây tranh cãi cộng đồng mạng. |
- Biết trước sản phẩm sẽ gặp phản ứng từ dư luận, chị vẫn quyết định dấn thân. Vậy thì điều gì thôi thúc chị thực hiện MV “Tự sướng”?
- Sáng tạo xuất phát từ ý tưởng, ý tưởng được hình thành và thực hiện hoàn hảo rồi thì phát hành và chia sẻ thôi, đó không phải là một quyết định gì quá lớn để mà phân vân nhiều.
- Khi nhìn thấy xã hội, những người xung quanh, kể cả chính mình... có chung một hành động được gọi là "tự sướng" thì câu hỏi lớn nhất được đặt ra trong đầu: liệu khi người ta nhìn lại chính hình ảnh của mình đang tự sướng, họ sẽ nghĩ gì?
- Những người tạo ra các comment bậy bạ, những quảng cáo vô duyên, dung tục... chèn vào các trang cá nhân, trên báo mạng, các trang xã hội hằng ngày. Họ nghĩ gì khi một lần nhìn lại những thứ họ làm được tái hiện trên một MV và được dư luận quan tâm?
Tôi sáng tác và hát lên những vấn đề của xã hội, cũng là để cảnh tỉnh chính bản thân mình và những con người hiện đại: Đừng làm gì quá đà! Tự sướng thì vui và sướng nhưng mà làm nhiều quá thì chắc chắn là có vấn đề tâm thần rồi, kể cả tự sướng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Mặt trái của sự hiện đại, sự nhanh nhạy của thông tin là: Con người ngày càng thiếu đi cảm xúc, cảm giác. Bởi vậy, khi thực hiện MV này, tôi phải dùng hình ảnh, âm thanh thật mạnh để đánh thẳng vào các giác quan của con người, như là muốn thức tỉnh ai đấy thì phải xối thẳng một ca nước lạnh vào mặt họ.
- Lúc này, chị đã đọc thông tin về cậu bé Danny Bowman người Anh tự tử sau khi chụp những bức hình tự sướng không ưng ý?
- Thật ra khi làm MV này, tôi thật sự chưa biết đến Danny Bowman là ai cả. Bởi vì ý tưởng quay MV và sự "sợ hãi" về tự sướng đã đến với tôi từ cuối năm ngoái, đến cuối tháng 2 thì MV được thực hiện. Câu chuyện cậu bé Bowman tôi chỉ mới được đọc vào khoảng cuối tháng 3 trên các tờ Mirror, Independent, Dailymail… Ngoài ra mới đây, tôi được biết nạn nhân mới nhất của tự sướng là một bà mẹ, 35 tuổi, Darya Chekova, đã thảy con xuống từ toà cao ốc rồi chụp hình tự sướng tung lên mạng.
Việt Nam phải xây dựng trại cai nghiện tự sướng
- Nhìn lại Việt Nam, chị thấy người trẻ thành thị có cuộc sống ảo quá không?
- Đối với tôi, dù thành thị hay nông thôn, cũng đều có người này người kia, không thể quy chụp rằng chỉ ở thành thị giới trẻ mới sống ảo như vậy hay chỉ có giới trẻ mới sống ảo như vậy. Nhưng thật sự tôi cảm thấy tỷ lệ những người có xu hướng sống ‘ảo’ ở Việt Nam đang ngày một tăng đột biến.
Theo định nghĩa của tôi “ảo” là cái gì đó mà giá trị của nó là một con số 0 tròn trĩnh, là sự giả dối về các giá trị sống, sự nguỵ biện của con người về sự bất lực của chính bản thân mình.
"Tôi cảm thấy tỷ lệ những người có xu hướng sống ‘ảo’ ở Việt Nam đang ngày một tăng đột biến", nữ ca sĩ nhận định. |
- Chị nhìn thấy họ “tự sướng" từng giờ trên các tài khoản cá nhân, chị đã nghĩ sao?
Việc "tự sướng" từng giờ trên các tài khoản cá nhân Facebook, Twitter… là một sự lãng phí quá lớn về mặt thời gian. Nó dễ dàng làm thoái hoá khả năng làm việc, học tập, các mối quan hệ xã hội, khả năng giao tiếp, tư duy sáng tạo, hay sự cảm thụ về cái đẹp của các giá trị thực, tạo điều kiện sản xuất ra những bộ máy biết đi, với đầu óc trống rỗng và cái tôi tự mãn cao chót vót. Tôi sợ khi nghĩ đến viễn cảnh Việt Nam phải xây dựng hàng tá trại cai nghiện cho những kẻ nghiện tự sướng.
- Một bác sĩ David Veal, nhà tâm thần học tại phòng khám London cho biết: “Tự sướng là vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và có tỉ lệ tự tử cực kỳ cao”. Còn những bác sĩ thần kinh hàng đầu tại tại Anh cho biết: nghiện chụp ảnh “tự sướng” giờ đã được rộng rãi công nhận là một bệnh lý tâm thần. Chị nghĩ người trẻ thành thị Việt có đang gặp phải bệnh lý tâm thần không?
- Ngoài bệnh lý tâm thần BDD- Body Dysmorphic Disorder (chứng mặc cảm ngoại hình) mà bác sĩ David Veal đề cập khiến cho ngừơi bệnh tự ti, buồn chán về bản thân mình mà dẫn đến tự tử, theo ý kiến của riêng tôi nó còn thể hiện một bệnh lý tâm thần khác là OCD- Obsessive - Compulsive disorder (chứng ám ảnh cưỡng chế).
Khi những người nghiện "tự sướng” không thể rời tay, hay ngừng suy nghĩ về chiếc smartphone của mình để rồi lại phải đụng đến chúng, dùng chúng chụp ảnh tự sướng.
Tôi không dám nói “người trẻ thành thị Việt đang gặp bệnh lý tâm thần” mà là những hệ luỵ từ việc quá lạm dụng và nghiện "tự sướng” sẽ gây ra những hậu quả to lớn mà chúng ta khó hình dung trước được.