Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tuổi thọ trung bình của con người trên thế giới là 72 tuổi, tương đương 2,27 tỷ giây. Mỗi phút, có 30.000-40.000 tế bào da người được tái tạo, đồng nghĩa một lớp da mới sẽ hình thành mỗi 2-4 tuần, tương đương khoảng 1.000 lớp da trong suốt cuộc đời.
Bên dưới lớp da là hệ thống mạch máu gồm tĩnh mạch, động mạch và mao mạch. Tổng chiều dài của chúng là hơn 160.000 km, đủ để cuốn 4 vòng quanh xích đạo Trái Đất.
Chiều dài mạch máu người đủ cuốn 4 vòng xích đạo Trái Đất. Ảnh: Yale News. |
Thông qua mạch máu, trái tim của chúng ta bơm khoảng 7.500 lít máu mỗi ngày, tương đương khoảng 197 triệu lít máu trong suốt cuộc đời, có thể lấp đầy hơn 78 bể bơi Olympic.
Màu đỏ của máu đến từ protein huyết sắc tố (hemoglobin) và sắt. Cơ thể người trưởng thành có khoảng 3-4 g sắt, nhưng sẽ có 1,5 mg sắt được thay thế mỗi ngày. Do đó trong suốt cuộc đời, một người có thể hấp thụ ít nhất 39,4 g sắt.
Móng tay người dài ra trung bình 3,5 mm mỗi tháng, do đó nếu không cắt móng tay cả đời, bộ móng của bạn có thể dài tới hơn 3 m.
Shridhar Chilla, người giữ kỷ lục có bộ móng tay dài nhất thế giới đã nuôi móng khi 14 tuổi. Trước khi cắt bộ móng vào năm 82 tuổi, tổng độ dài móng tay của ông là khoảng 9 m, gần bằng chiều dài một chiếc xe buýt.
Tuy nhiên móng tay vẫn phát triển khá chậm so với tóc. Mỗi tháng, một sợi tóc dài thêm khoảng 12,5 mm, tương đương 10,8 m trong suốt cuộc đời.
Một thứ cũng được sản sinh từ cơ thể là nước bọt. Trung bình một người tiết ra 1 lít nước bọt mỗi ngày, tương đương hơn 26.000 lít trong suốt cuộc đời, đủ lấp đầy 36 bồn tắm cỡ 4 người.
Thế nhưng con số trên chẳng là gì so với chất nhầy (đờm và nước mũi), tiết khoảng 1,4 lít mỗi ngày và có thể lấp đầy khoảng 51 bồn tắm cỡ 4 người nếu thu thập trong cả đời.
Móng tay người có thể dài đến 3 m nếu không cắt trong hơn 70 năm. Ảnh: Live Science. |
Tiếp theo, chúng ta thải ra trung bình 400-2.000 ml nước tiểu mỗi ngày, tức là cả đời sẽ thải ra trung bình hơn 31.500 lít nước tiểu.
Một cơ quan thú vị khác là gan với khả năng tự tái tạo các mô bị mất. Một người có thể mất đến 65% khối lượng gan, nhưng chúng có thể tái tạo hoàn toàn chức năng sau vài tháng.
Nhìn chung, cơ thể chúng ta giống một cỗ máy thu nhỏ với khả năng tạo ra vô số tế bào, chất lỏng mỗi ngày. Tuy nhiên, hãy nhớ lông tai của bạn không thể mọc lại nếu mất đi.
Một bộ phận khác là não cũng không sản sinh nhiều tế bào trong suốt cuộc đời. Một người sinh ra với khoảng 90 tỷ tế bào thần kinh não, sẽ mất đi khoảng 60 tế bào mỗi phút. Nếu gặp chấn thương, não sẽ mất đến hàng triệu tế bào. Dù vậy, tính dẻo dai của não sẽ giúp các tế bào thần kinh còn lại đảm nhận vai trò của các tế bào bị mất và hình thành các kết nối mới.