Tính đến tháng 10/2014, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra gần 125.000 vụ, xử lý gần 64.000 vụ vi phạm hàng giả và gian lận thương mại, xử phạt vi phạm hành chính hơn 187 tỷ đồng, tổng số thu nộp ngân sách gần 260 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy là 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp…
Bắt hàng giả, không biết giữ ở đâu
Tình hình hàng giả, hàng nhái ở nước ta hiện nay vẫn diễn biến hết sức nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng mà còn đẩy các doanh nghiệp (DN) vào tình thế khó khăn, sản xuất ngừng trệ và nhiều DN phải đứng bên bờ vực phá sản.
Bà Ngọc Trinh, đại diện công ty INOVA Pharma chuyên về thuốc thú y, thuốc nuôi trồng thủy sản bày tỏ, mất bao nhiêu công sức chi phí nghiên cứu sản phẩm mới nhưng cứ đưa ra thị trường là có thuốc giả. “Thuốc thú y giả tràn ngập vùng sâu, vùng xa, bán công khai gần biên giới, thậm chí đưa sang cả bên Campuchia”, bà Trinh nói.
Hiệp hội Chống hàng giả, hàng nhái kiến nghị: kinh phí cho công tác chống hàng giả, hàng nhái thực hiện theo cơ chế “mỡ nó rán nó”. Ảnh minh họa |
Thế nhưng, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái lại đang đối mặt với nhiều thách thức. Ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), cũng là một người có thâm niên trong ngành Quản lý thị trường (QLTT), chia sẻ tại Lễ kỷ niệm Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái diễn ra hôm qua – 28/11, theo đó, dù Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhưng trên thực tế, công tác phối hợp thực hiện còn khá nhiều hạn chế. “Chẳng hạn như, phải cải cách hành chính mạnh mẽ trong lĩnh vực này, ví dụ một vụ việc chống buôn lậu thôi nhưng lượng văn bản phải làm nhiều không thể tả”, ông Bảo nói.
Ông Bảo cùng với nhiều lãnh đạo trong ngành QLTT đều đồng quan điểm kinh phí trong lĩnh vực này phải được cơ cấu theo cách “lấy nó nuôi nó”: “Có thời gian quy định trích 40% nguồn thu từ công tác này để lại cho lực lượng thực hiện, sau đó giảm xuống 30%, rồi tăng lên 40%, giờ không còn đồng nào. Thế nhưng trên thực tế, khi tịch thu thuốc bảo vệ thực vật giả, để thì hôi mà tiêu hủy thì không có kinh phí. Anh em không biết phải xoay xở ra sao”. Hoặc, có vụ buôn lậu khi bắt mấy tấn hàng rồi không có chỗ để, lãnh đạo cơ quan QLTT phải mượn kho của Intimex “để nhờ một tháng”, sau đó phải mất sáu tháng mới giải quyết xong khiến chủ kho kêu trời vì bất tiện.
“Lực lượng QLTT và Hiệp hội đã kiến nghị nhiều lần về vấn đề này. Theo chúng tôi, phải để lại 50% số thu từ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại cho các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại làm kinh phí thực hiện nghiệp vụ. Đầu tư hơn, đồng thời cũng đòi hỏi các lực lượng thực hiện quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn”, ông Bảo cho biết.
Phải đổi mới cách làm
Là một doanh nghiệp thiệt hại nhiều từ nạn hàng giả, ông Lê Vũ Phước – Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Tôn Hoa Sen, đề xuất các cơ quan chức năng bắt buộc xuất hóa đơn khi bán ra bất cứ đơn hàng nào, để có thể kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán qua hóa đơn, đồng thời hóa đơn là một chứng thư đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người mua hàng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), nhận định, dù các cơ quan thực hiện quyết liệt nhưng tình hình rất phức tạp, quy mô không giảm, tồn tại kéo dài gây tổn hại nghiêm trọng uy tín hàng Việt Nam, tổn hại người tiêu dùng, xáo trộn môi trường đầu tư, đạo đức kinh doanh. Ông Phúc đề nghị, các lễ kỷ niệm tới không chỉ làm ở Hội trường với các đại diện ban ngành mà “lần sau tổ chức ở cấp thấp hơn, ở trung tâm thương mại, chợ…”.
“Chống hàng giả, hàng nhái vẫn thực hiện ở Hà Nội và tỉnh lị là chính, công tác tuyên truyền ở cơ sở vẫn còn kém, cần thay đổi cách làm. Hà Nội vừa rồi tiến hành cho 700 tiểu thương chợ Đồng Xuân ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái. Đây là câu chuyện về đổi mới cách làm”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Phó Thủ tướng, vì quy định pháp luật chưa nghiêm, nhiều kẽ hở, dễ bị lợi dụng nên VATAP phải có trách nhiệm cùng các cơ quan hữu trách rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác này.
Bên cạnh việc liên tục, bền bỉ đẩy mạnh truyền thông, trang bị kiến thức cho người dân nhận biết hàng giả, hàng nhái, từ đó nâng cao ý thức không sử dụng, tiêu thụ, buôn bán loại hàng này, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo tập trung củng cố lực lượng chủ công chống hàng giả, hàng nhái gồm 6 lực lượng: Công an, Quản lý thị trường, Thuế, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát Biển, sao cho lực lượng này có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ… để tăng hiệu quả công tác này.