Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mác ghi made in China bằng con kiến thì sao khách hàng phân biệt?'

Chuyên gia bán lẻ cho rằng việc mập mờ nhãn mác xuất xứ khiến nhiều khách nhầm lẫn và chọn mua ở các điểm bán gắn mác Nhật, Hàn nhưng chủ yếu bán hàng Trung Quốc.

Bộ Công Thương vừa công bố kết luận kiểm tra khiến nhiều khách hàng sốc: Tại hệ thống bán lẻ Mumuso Việt Nam (công ty công bố bán sản phẩm Hàn Quốc), có đến 99,3% hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và không có hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng hành động của Mumuso khó chấp nhận. Nhưng thực tế, không chỉ hệ thống này mà còn nhiều hãng bán lẻ khác như Yoyoso, Miniso, Daiso, Minigood… cũng bán hàng Trung Quốc.

Giật mình bị lừa

Chị Nguyễn Thị Thu (quận Cầu Giấy) cho rằng trước kia chị hoàn toàn nghĩ các cửa hàng như Mumuso, Miniso… là hàng Nhật, Hàn. Chỉ sau khi Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra, chị mới giật mình vì đã bị đánh lừa.

ban le hang trung quoc mang mac nhat han anh 1
Mô hình bán lẻ kiểu Nhật, Hàn hấp dẫn nhiều khách hàng Việt. Ảnh: HC.

Chị Thu nói rằng từ logo, nhãn hiệu, các dòng chữ ghi trên nhãn mác hàng hóa đều khiến khách hàng nhận diện là hàng Nhật, Hàn. Chỉ khi đọc kỹ dòng chữ tiếng Anh (một số cửa hàng không ghi rõ bằng tiếng Việt là hãng xuất xứ Trung Quốc) thì người mua mới biết “made in China”.

“Tôi không hề ác cảm với hàng Trung Quốc, nhưng những cửa hàng cần phải ghi rõ ràng xuất xứ, nhãn mác để người tiêu dùng biết, tránh bị nhầm lẫn là hàng Nhật, Hàn. Có lúc dẫn các con đi mua đồ, các cháu cũng chỉ biết hàng đẹp từ Nhật, Hàn chứ không hề phân biệt được để mà lựa chọn”, chị Thu nói.

Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Nhật (quận Hai Bà Trưng) cho rằng ngoài nhận diện logo và thương hiệu của các cửa hàng rất giống kiểu Nhật, Hàn, thì trong từng hàng hóa cũng có biểu hiện “đánh lừa” khách hàng về xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, trên từng bao bì sản phẩm đều tràn ngập tiếng Nhật, tiếng Hàn. Trên sản phẩm chỉ có một miếng giấy rất nhỏ được dán và ghi tên sản phẩm là gì bằng tiếng Việt, kèm theo mã vạch, giá bán.

Anh nói việc tràn ngập thông tin bằng chữ Nhật, Hàn trên sản phẩm tạo cảm giác cho khách hàng mua hàng của 2 nước này, thay vì hàng sản xuất tại Trung Quốc. Anh đề nghị nhà sản xuất phải minh bạch thông tin sản phẩm từ Nhật hay Hàn để đa phần người tiêu dùng không bị nhầm lẫn.

ban le hang trung quoc mang mac nhat han anh 2
Giá rẻ, mẫu mã đa dạng là lý do nhiều khách biết hàng Trung Quốc vẫn chọn mua ở các cửa hàng đội lốt Nhật, Hàn. Ảnh: HC.

Một vấn đề được anh Nhật chỉ ra là thông tin về hàng hóa bằng tiếng Việt rất ít.

“Tuy là hàng bán tại Việt Nam, sản xuất cho người tiêu dùng Việt Nam nhưng thông tin về hàng hóa đều không có bằng tiếng Việt. Tôi rất tò mò về hướng dẫn sử dụng, thành phần, khuyến cáo về sản phẩm… Nhưng hoàn toàn không có thông tin bằng tiếng Việt”, anh Nhật nói.

Để người dùng nhầm lẫn là trách nhiệm của cơ quan quản lý

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia về bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng, với trên 90 triệu dân, doanh số lên đến hàng trăm tỷ USD là lý do hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong nhiều nhà đầu tư nước ngoài có những hãng mang mác bán lẻ hàng Hàn, Nhật như Mumuso, Daiso, Miniso…

Nhưng “lưới lọc” của cơ quan Nhà nước còn yếu kém. Việc cấp phép đầu tư kinh doanh nhưng hậu kiểm về sau lại khá kém. Từ đó, dẫn đến các doanh nghiệp mang mác bán lẻ Hàn, Nhật tràn ngập hàng Trung Quốc, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, khiến khách hàng dễ bị nhầm lẫn. Đây là hành động gian lận và đánh lừa người tiêu dùng.

“Tình trạng bán hàng Trung Quốc đội lốt Nhật, Hàn là khá nhiều. Thậm chí nó không chỉ đội lốt hàng Hàn, Nhật mà còn đội lốt cả hàng Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt cũng bán hàng Trung Quốc nhưng lại ghi “made in Vietnam”. Đây là một tình trạng nhức nhối đòi hỏi cơ quan quản lý phải vào cuộc”, ông Phú nói.

Ông cũng chỉ ra các hãng bán lẻ kiểu Nhật, Hàn ghi thông tin về hàng hóa rất hạn chế, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ.

ban le hang trung quoc mang mac nhat han anh 3
Chuyên gia cho rằng từ bài học của Mumuso, cơ quan Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn loại hình bán lẻ này. Ảnh: HC.

“Dòng chữ made in China chỉ bằng con kiến thì làm sao khách hàng phân biệt nổi. Cụ già hay trẻ em thì không thể biết mà lựa chọn. Thậm chí có hãng còn không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ bằng tiếng Việt”, ông Phú nhận định.

Chuyên gia này nhấn mạnh đến vai trò của quản lý thị trường, cơ quan chức năng có liên quan trong việc không để xảy ra tình trạng nhầm lẫn của khách hàng.

“Mình không bài xích hàng Trung Quốc, nhưng hàng nào, xuất xứ ở đâu, giá cả thế nào thì phải ghi rất rõ ràng. Hàng Trung Quốc thì ghi Trung Quốc, Nhật thì ghi Nhật… Cái này đã có quy định. Ai vi phạm thì phải xử lý nghiêm và công bố rộng rãi. Người dùng họ chỉ thoáng qua và nghĩ là hàng Nhật, Hàn thì vào mua thôi. Cơ quan quản lý đã buông lỏng”, ông Phú nhấn mạnh.

Khách biết là hàng Trung Quốc đội lốt vẫn chọn mua

Chị Nguyễn Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng Trung Quốc hiện nay là công xưởng của thế giới, nhiều mặt hàng được sản xuất ở đây. Chị hoàn toàn không bất ngờ khi có kết luận hàng của Mumuso gần như toàn bộ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Một người tiêu dùng khác là chị Bùi Thủy (quận Cầu Giấy) cho rằng các cửa hàng mang phong cách Nhật, Hàn tuy bán hàng Trung Quốc nhưng có mẫu mã, chủng loại và giá cả tốt nên thường lựa chọn mua. Ngoài ra, chị cũng rất thích những loại đồ gia dụng lạ mắt và rẻ.

Không chỉ Mumuso, hàng Trung Quốc mượn danh hàng Nhật, Hàn nhiều nơi

Không chỉ Mumuso bị phát hiện bán 99,3% hàng Trung Quốc, người tiêu dùng còn tố hàng loạt thương hiệu khác như Miniso, Daiso, Yoyoso… cũng bán hàng “made in China”.




Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm