Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ma ngón' trên đất Tây Nguyên

“Ma ngón” loại cây giết người thầm lặng chỉ xuất hiện ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc đã len lỏi vào tận vườn nhà, gieo rắc tai họa cho nhiều gia đình đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên

Chiếc xe U-oát như con ngựa sắt đưa chúng tôi từ trung tâm thị xã Gia Nghĩa vượt gần 100 cây số đường đèo dốc quanh co, để tìm về xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những mái nhà tranh lụp xụp, nhấp nhô trên triền núi đá. Những em bé Mông nhem nhuốc chưa đủ tuổi lao động nhưng vẫn phải theo bố mẹ lên nương gieo lúa, tỉa ngô. 

Xã Quảng Hòa có tới 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống còn nghèo, trình độ dân trí hạn chế. Di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc vào Tây nguyên để làm ăn sinh sống, những người dân ở đây mang theo rất nhiều hủ tục như tảo hôn, mê tín dị đoan. Một điều đau lòng mà ít ai biết được, đó là sự ám ảnh, đeo bám dai dẳng của “ma ngón”, thứ lá cực độc, từng gây không biết bao nhiêu cảnh tang tóc đối với người dân ở xã này.

Lá ngón rất dễ tìm thấy ở Quảng Hòa
Lá ngón rất dễ tìm thấy ở Quảng Hòa

Theo chân anh Hoàng Văn Tiến, Công an xã Quảng Hòa, chúng tôi tìm đến nhà để viếng cháu Nông Thị Pằng (SN 1994), con của anh Nông Văn Dí và chị Hoàng Thị Mỵ. Ôm trong lòng di ảnh con gái, chị Mỵ nước mắt ngắn dài kể về ngày định mệnh mà cháu Pằng đã dại dột lên rừng tìm lá ngón để kết thúc cuộc đời mình. 

“Nó ngoan lắm, xinh lắm thế mà bố nó suốt ngày cứ hành hạ, đay nghiến vì nghi ngờ không phải là con ruột của bố nó đẻ ra. Hôm đó khi chở tôi lên nương, nó đã lén đi tìm lá ngón giấu trong áo. Về đến nhà nó ăn xong ba lá rồi lại ôm tôi mà khóc, bảo rằng con chết đi rồi mẹ đừng có đi lên nương trồng ngô nữa nhé, con không còn giúp mẹ được nữa đâu!”, nói đến đây, chị Mỵ lại ôm hình con mà khóc khiến chúng tôi không thể cầm lòng. 

Trước khi chết, cháu Pằng để lại một đoạn băng ghi âm bằng điện thoại, nội dung kể rõ nguyên nhân dẫn đến việc ăn lá ngón quyên sinh của mình.

Chưa đầy một tháng sau, người dân xã Quảng Hòa lại chứng kiến hai cái chết liên tiếp của cặp vợ chồng trẻ, mà “ma ngón” chính là “thủ phạm” trực tiếp. Đã có với nhau bốn mặt con nhưng vợ chồng anh Thào Văn Vàng và Hoàng Thị Mỷ không có một ngày được hạnh phúc. Chẳng những không lo làm ăn, xây dựng gia đình, Vàng còn thường xuyên say xỉn, trộm cắp, đánh vợ đập con. Chị Mỷ lăn lộn, dãi nắng dầm mưa trên nương để mang ít ngô, ít sắn về nuôi sống gia đình, nhưng Vàng lại lấy trộm đem bán và nướng vào những cơn say liên miên. 

Vào một ngày cuối tháng 5/2014, sau khi chị Mỷ đi làm về, Vàng đòi vợ đưa tiền để đi uống rượu nhưng chị Mỷ không có. Thế là Vàng đánh đập, chửi bới thậm tệ và lột hết áo quần của chị Mỷ. Đau khổ, nhục nhã, đêm đó chị Mỷ đã lên rừng bứt nắm lá ngón về và ăn trước mặt chồng. 

Cũng vì ân hận, buồn chán nên chưa đầy mười ngày sau, trong cơn say chếnh choáng, Vàng ra mộ chị Mỷ và chết theo vợ bằng cách ăn lá ngón. Hai vợ chồng chết đi để lại bốn đứa con thơ dại, đứa lớn nhất mới tám tuổi, cháu út mới chưa đầy một tuổi. Giờ đây, bốn chị em cháu Thào Thị Máy phải sang ở nhờ nhà cậu ruột. Nhìn bốn cháu nhỏ ngơ ngác, rủ nhau chạy trốn khi thấy người lạ vào thăm, chúng tôi không khỏi xót xa.

Ngôi nhà vắng lặng của gia đình anh Thào Văn Vàng và chị em cháu Thào Thị Máy
Ngôi nhà vắng lặng của gia đình anh Thào Văn Vàng và chị em cháu Thào Thị Máy

Theo anh Nguyễn Bá Thủy, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, cây lá ngón là một loại thực vật cực độc, chỉ cần ăn ba lá có thể gây chết người ngay tức khắc. Đi cùng với các hủ tục của đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh miền núi phía bắc vào Quảng Hòa, những người dân ở đây thường tìm đến lá ngón để giải quyết mâu thuẫn, kết thúc cuộc đời. Trong một năm trở lại đây, trên địa bàn xã đã xảy ra năm vụ tự tử bằng lá ngón làm sáu người thiệt mạng. 

Chính quyền xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động bà con đi đào bới, triệt hạ tận gốc cây lá ngón, nhằm hạn chế đến mức tối đa tiêu cực có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây là loại thực vật sinh trưởng mạnh, chỉ cần sau một cơn mưa là chúng lại mọc lên như nấm. 

Điều quan trọng nhất là phải thay đổi được nhận thức trong người dân. Về điều này chính quyền xã phải thừa nhận là chưa làm được, một phần vì trình độ dân trí của bà con còn rất thấp. Khi tổ chức tuyên truyền, vận động thì ai cũng tỏ vẻ đã hiểu rõ, cái bụng đã thông, nhưng khi gặp chuyện thì họ lại tìm đến lá ngón để giải quyết vấn đề. 

http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=681&p=&id=528830

Theo Hiền Hà/Công an TP.HCM

Bạn có thể quan tâm