Reuters dẫn thông báo của Europol cho biết con số nạn nhân bị ảnh hưởng bởi đợt tấn công này có thể còn tăng lên khi người dân quay trở lại làm việc vào ngày đầu tuần.
Giám đốc Europol Rob Waineright cho biết những kẻ tin tặc sử dụng lại phần mềm độc hại có khả năng tự lây lan.
"Phạm vi lây nhiễm ảnh hưởng toàn cầu của vụ việc này là chưa từng có tiền lệ. Số nạn nhân hiện ít nhất là 200.000 ở 150 quốc gia. Trong số này gồm nhiều doanh nghiệp, có cả những tập đoàn lớn", ông nói. AP nói số tổ chức bị ảnh hưởng là hơn 100.000.
Mã độc tấn công toàn cầu đã lan ra 150 quốc gia. Ảnh: istock. |
"Chúng ta đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng leo thang ở thời điểm này. Tôi lo lắng rằng những máy bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục tăng đáng kể khi mọi người đi làm lại vào ngày mai và khởi động máy tính của họ", giám đốc Europol cảnh báo.
Phần mềm phá hoại mà tin tặc sử dụng được cho là do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) phát triển. Nhóm tin tặc The ShaDow Brokers tuyên bố đánh cắp phần mềm của NSA và tung lên mạng vào tháng 4, phát tán nhờ vào một lỗi của mạng điều hành Windows.
Nhóm này cho biết mục đích hành động là để "phản đối Tổng thống Trump". Những máy tính bị ảnh hưởng không còn có thể điều khiển do bị khoá bằng chương trình tống tiền (ransomware).
Nạn nhân bị yêu cầu nộp 300 USD để được mở khoá. Những quốc gia bị ảnh hưởng gồm Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga... Rich Barger, người đứng đầu bộ phận an ninh mạng của Tập đoàn Splunk (Mỹ), nói đây là một trong những vụ tấn công bằng mã độc tống tiền lớn nhất trên thế giới.