Nhật ký người lính là những trang viết chân thực, xúc động, thể hiện tâm tư, tình cảm của những người đã trực tiếp sống và chiến đấu giữa làn đạn. Trong đó bên cạnh hoài vọng, khát khao hướng đến hòa bình, độc lập còn là những vui, buồn rất bình dị và dễ đồng cảm của một thế hệ đã dâng hiến thanh xuân mình cho Tổ quốc.
Mãi mãi tuổi hai mươi
Nguyễn Văn Thạc sinh ngày 14/10/1952, tại làng Bưởi, Hà Nội. Anh nhập ngũ ngày 6/9/1971, hy sinh ngày 30/7/1972 tại chiến trường Quảng Trị. Hàng trăm lá thư cùng cuốn nhật ký dày 240 trang của liệt sĩ được gia đình và Phạm Như Anh (người yêu thời học sinh của tác giả) lưu giữ. Đến năm 2005, thư và nhật ký được Nhà xuất bản Thanh Niên in thành sách, lấy tựa Mãi mãi tuổi hai mươi, do Đặng Vương Hưng giới thiệu và biên tập.
"Ai ra đi cũng với lòng say lý tưởng, và nhẹ nhẹ bên trong là chút ước mơ. Buổi gác đầu tiên là đêm trăng sáng, là bài thơ, là một trang nhật ký,... Sung sướng và hãnh diện biết bao, ơi xóm làng yêu quý, ngủ yên, ngủ yên, có anh bộ đội thức canh trời".
Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc
Cuốn nhật ký bắt đầu từ ngày 2/10/1971 và dừng lại với những dòng cuối cùng viết ở ngã ba Đồng Lộc ngày 3/6/1972 khi Nguyễn Văn Thạc quyết định gửi cuốn nhật ký về cho anh trai mình để tiếp tục hành quân vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.
Cuốn sách là bức tranh chân thực về chiến trường và tâm tư của một thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Văn Thạc đã ghi lại những dòng suy tư đầy cảm xúc về tình yêu, gia đình và quê hương. Cuốn sách thể hiện khát vọng hòa bình, lòng yêu nước và tinh thần lạc quan của một thế hệ trẻ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Năm 2012, phim điện ảnh Mùi cỏ cháy chuyển thể từ tác phẩm này đã giành 4 giải Cánh diều vàng.
Bìa sách Mãi mãi tuổi hai mươi (trái) và Nhật ký Đặng Thùy Trâm. |
Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Đặng Thuỳ Trâm sinh ngày 26/11/1942 tại Huế trong một gia đình trí thức: mẹ là dược sĩ, giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội Doãn Ngọc Trâm; bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê. Cô tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, sau đó gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, trở thành bác sĩ quân y và được điều vào công tác ở Đức Phổ, chiến trường Quảng Ngãi.
Cô ''Thùy" hy sinh ngày 22/6/1970. Cuốn nhật ký thứ nhất viết từ ngày 8/4/1968 đến ngày 4/12/1969 gồm 219 trang viết tay. Cuốn thứ hai viết từ ngày 31/12/1969 và kết thúc ngày 20/6/1970, gồm 53 trang viết tay.
"Nắng đầu thu với những cơn gió se môi và se cả lòng người. Lại nhớ… nhớ mênh mông sâu thẳm như lòng đại dương đang ôm tròn thân mình dải đất Việt Nam... Đất nước ơi! Bao giờ cho nhớ thương nguôi bớt, bao giờ cho đất nước thanh bình?"
Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Những trang viết đầy nhiệt huyết và xúc động của cô không chỉ ghi lại tâm tư và trải nghiệm của một bác sĩ thời chiến, mà còn thể hiện tình yêu cuộc sống, đồng đội và khát vọng hòa bình mãnh liệt.
Chỉ được viết trong hơn hai năm nhưng cuốn nhật ký mở ra góc nhìn thế giới từ tâm hồn của cô gái trẻ: lời văn thường thoáng buồn nhưng vẫn ánh lên sự trong sáng, lạc quan, hy vọng.
Hai tập nhật ký do cựu sĩ quan quân báo Mỹ Frederic Whitehurt lưu giữ và trao trả cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4/2005. Ông đã giữ lại quyển nhật ký mà không đốt đi, vì nghe theo lời của thông dịch viên, thượng sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Trung Hiếu, trong cùng đơn vị: "Đừng đốt, trong đó đã có lửa". Câu nói này cũng là tiêu đề của bộ phim Đừng đốt (2009) về cuộc đời Đặng Thùy Trâm.
Nhật kí Đặng Thùy Trâm được Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2005. Cùng với Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật kí Đặng Thùy Trâm được xếp vào một trong mười sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2005 tại Việt Nam.
Hai mẫu bìa của nhật ký Lính chiến. Ảnh: Trái tim người lính. |
Lính chiến
Phạm Hữu Thậm sinh năm 1945 tại thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn (nay là phường An Phụ, thị xã Kinh Môn) tỉnh Hải Dương. Nhập ngũ tháng 4/1968, chỉ qua huấn luyện tân binh 2 tháng, ông đã cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam và được biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5.
Chính ủy Trung đoàn ôm tôi nói:
- Chúc các đồng chí ra quân là chiến thắng, đất liền chờ tin chiến thắng.
Rồi mọi người bắt tay nhau, lần lượt xuống tàu...
Kẻ ở người đi bịn rịn nhớ nhau khôn xiết.
Lính chiến, Phạm Hữu Thậm
Lính chiến là cuốn nhật ký của Phạm Hữu Thậm, ghi lại những năm tháng tham gia chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm thuật lại những trận đánh, những giờ phút vào sinh ra tử và cuộc sống gian khổ của người lính nơi chiến trường.
Trong 14 năm cầm súng, là người trực tiếp tham gia 127 trận đánh lớn nhỏ và bắn rơi 19 máy bay địch, ông kể lại hành trình chiến đấu đầy gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào này của mình và đồng đội. Giữa những tường thuật về bom đạn và chiến thắng, những trang nhật ký còn khắc họa tinh thần kiên cường, ý chí sắt đá và tình đồng đội sâu sắc của người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Lính chiến nổi bật ở chỗ không tô hồng hay bi kịch hóa chiến tranh mà như thước phim sống động về những người lính bình dị nhưng quả cảm, dám hy sinh cả tuổi trẻ và cuộc sống cho Tổ quốc. Phạm Hữu Thậm viết bằng giọng văn mộc mạc, thấm đẫm tình cảm và lòng tự hào về những năm tháng chiến đấu đầy thử thách.
Sách Nhật ký Nguyễn Văn Thiện - Hành trình kỳ lạ từ Harvard đến Hà Nội. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Nhật ký Nguyễn Văn Thiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9/2023 theo lời mời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vào ngày 11/9/2023, tại Tòa nhà Quốc hội, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện (quê Tiền Hải, Thái Bình) đã được các cựu binh Mỹ trao lại cuốn nhật ký thất lạc của ông mà một lính Mỹ thu được sau trận càn năm 1967.
Cuốn nhật ký không chỉ là kỷ vật cá nhân của riêng cựu binh Nguyễn Văn Thiện, mà còn là chứng nhân lịch sử quý giá, ghi lại những khoảnh khắc gian khổ, hy sinh và cả niềm tin, hy vọng của người lính trong cuộc chiến tranh khốc liệt. Sau gần 60 năm thất lạc, cuốn nhật ký đã trở về với chủ nhân trong một cuộc hội ngộ đầy xúc động, đánh dấu một chương mới trong câu chuyện về hòa giải và hàn gắn quá khứ.
Những trang viết của ông Thiện ghi lại suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm nơi chiến trường bằng giọng văn mộc mạc, chân thành. Thuật lại nhiều mất mát, đau thương, nhưng cuốn sách cũng lấp lánh niềm tin vào chiến thắng, vào một tương lai hòa bình.
Sách Nhật ký Nguyễn Văn Thiện - Hành trình kỳ lạ từ Harvard đến Hà Nội được xuất bản vào tháng 7/2024 còn có thêm nội dung "Nhật ký đường về", là cuốn sổ được chính ông Nguyễn Văn Thiện lưu giữ cho đến sau chiến tranh. Trong đó gồm những bài thơ ông sáng tác trên đường vào chiến trường, có hoàn cảnh, câu chuyện riêng liên quan đến những sự việc cụ thể xảy ra trên đường hành quân.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.