Immanuel Kant
Immanuel Kant (1724-1804) thường được mô tả là nhà tư tưởng nhân văn có ảnh hưởng nhất. Kant sinh ra ở Königsberg, Phổ (nay là Kaliningrad, Nga), và được đào tạo tại Collegium Fredericianum và sau đó là Đại học Königsberg. Ông nghiên cứu các tác phẩm kinh điển, vật lý và toán học cho đến khi buộc phải từ bỏ việc học sau cái chết của cha mình và kiếm tiền bằng cách dạy kèm riêng. Năm 1755 Kant quay lại với việc học tập. Ông ở lại trường đại học trong 15 năm, giảng dạy khoa học, toán học, địa lý và triết học.
Immanuel Kant phát triển một lý thuyết suy luận được gọi là phương pháp siêu việt, hay quy nạp.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC. |
Triết học của Kant tập trung vào nhận thức luận, thường được định nghĩa là “khả năng, nguồn gốc, bản chất và phạm vi tri thức của con người”. Ông tin rằng quan niệm của con người về thực tại một phần là do những ý tưởng bẩm sinh (đã có từ trước) mà con người có về thế giới. Không có chúng, thế giới là nơi không thể nhận biết được.
Các phạm trù này bao gồm số lượng (bao nhiêu thứ), chất lượng (các loại sự vật), mối quan hệ (cách mọi thứ tương tác) và phương thức (sự vật có thể là gì). Chúng ta áp dụng chúng vào những trải nghiệm hằng ngày của mình để hiểu thế giới.
Từ năm 1770 đến năm 1797 Kant nhận chức giáo sư siêu hình học và logic học tại Đại học Königsberg. Một số lời giảng dạy của ông khiến chính phủ Phổ e ngại, chủ yếu là quan điểm của ông về chủ nghĩa duy lý. (Kant đưa ra lý thuyết rằng kiến thức có được bằng lý trí mà không cần trải nghiệm, thay vì thông qua những soi rạng của tôn giáo.)
Theo đó, Kant đã bị vua Phổ, Frederick William II, cấm nói hoặc viết về các chủ đề tôn giáo. Kant tuân theo sắc lệnh hoàng gia này trong năm năm cho đến khi nhà vua băng hà vào năm 1794, sau đó ông tiếp tục công việc giảng dạy và viết lách.
Locke và Hume lập luận rằng tất cả kiến thức của con người là kết quả của sự tích lũy kinh nghiệm giác quan. Tâm trí con người lúc mới sinh là tabula rasa (một “phiến đá trống”). Sau đó, tâm trí bắt đầu đầy ắp ý tưởng lấy từ kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta.
Cuộc sống dạy cho chúng ta mọi thứ, bao gồm các khái niệm về danh tính, mối ràng buộc, quan hệ nhân quả, v.v. Hume đã gặp rắc rối trong một thời gian ngắn bởi khái niệm về nhân quả. Quan hệ nhân quả là mối quan hệ nguyên-nhân- và-kết-quả. Đá một quả bóng, và nó lăn đi; đấm vào tường, và bạn sẽ bị thương.
Lấy một ví dụ khác, bạn biết rằng vỗ tay gần tai của phụ huynh đang ngủ sẽ khiến họ nổi điên. Theo quan điểm của Hume, hiểu biết của bạn về mối quan hệ giữa việc vỗ tay (nguyên nhân) và sự khó chịu của phụ huynh (hậu quả) là kết quả sự kết hợp nội tại của hai ý tưởng “vỗ tay” và “phụ huynh”. Nhưng nếu ta chẳng có ấn tượng gì về ý niệm “vỗ tay” hay ấn tượng về “phụ huynh”, thì kiến thức “nhân quả” đến từ đâu?
Đối với Hume, nó đến từ kinh nghiệm chủ quan của cá nhân và không dựa trên điều gì khác hơn sự trùng hợp kịp thời của các sự kiện. Hàm ý trong ý tưởng của Hume là các mối quan hệ nguyên-nhân-và-kết-quả có thể không được xác định chính xác do những điểm yếu của tính chủ quan. Khoa học dựa trên sự khách quan, nhưng nó cũng dựa trên những quan sát về mối quan hệ nguyên-nhân-và-kết-quả. Khoa học do đó cũng dựa trên những điểm yếu của tính chủ quan, điều này có thể tạo ra sự thiên lệch.
Kant không đồng ý với mô hình phiến đá trống của tâm trí. Ông đề xuất rằng một số khái niệm, chẳng hạn như quan hệ nhân quả, logic, vật chất, không gian và thời gian, là bẩm sinh – đã có trong tất cả chúng ta từ khi sinh ra. Theo thuật ngữ hiện đại, chúng được lập trình vào gene của chúng ta.
Trí óc xây dựng kiến thức từ những khái niệm bẩm sinh này cũng như từ việc tích lũy kinh nghiệm giác quan. Những khái niệm này được cho là tiên nghiệm (“từ những gì có trước”). Tâm trí con người cần những khái niệm tiên nghiệm cũng giống như tủ quần áo cần có móc treo để đựng quần áo.
Bình luận