Xuất bản lần đầu năm 2002, tái bản năm 2006, sau 13 năm kể từ lần xuất hiện gần nhất, Từ điển chức quan Việt Nam của PGS Đỗ Văn Ninh, một công cụ tra cứu chức quan hữu ích về thời quân chủ Việt Nam, đã được tái bản trong sự mong chờ của độc giả. Bởi lâu nay, tìm cuốn từ điển công cụ này như mò kim đáy bể, mà giá thì được đẩy lên rất cao.
Về các cuốn từ điển chức quan
Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt 2010 do Hoàng Phê chủ biên, từ điển là “Sách tra cứu tập hợp các đơn vị ngôn ngữ [thường là đơn vị từ vựng] và sắp xếp theo một thứ tự nhất định, cung cấp một số kiến thức cần thiết đối với từng đơn vị”. Ấy là nói về từ điển theo nghĩa chung nhất, là công cụ tra cứu hữu ích, như từ điển ngôn ngữ, từ điển chuyên ngành.... Riêng từ điển về chức quan trong lịch sử Việt Nam, lâu nay đã có bao nhiêu công trình? Thật khó thống kê. Với hiểu biết hạn hẹp của người viết, thì sách, cũng như từ điển liên quan đến việc tìm hiểu, giải thích về các chức quan Việt Nam, thực sự rất ít.
Trong lịch sử đã qua của các triều đại Việt Nam, ngoài những tác phẩm về văn học, sử học, địa chí… cũng đã có không nhiều tác phẩm liên quan đến chức quan. Cụ thể như Lê triều quan chế thời Hậu Lê (1428 - 1789); sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần “Quan chức chí” của Phan Huy Chú, sách Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng hay Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thời Nguyễn (1802 - 1945).
Khi chữ quốc ngữ dần được dùng nhiều, ta biết có Sách Quan chế của Paulus in năm 1888, Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông (GS Phan Ngọc Liên chủ biên), NXB Đại học quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2000, Sổ tay từ ngữ lịch sử (quan chế) (TS Phạm Văn Hảo chủ biên), Nxb Khoa học xã hội ấn hành năm 2008…
Ngoài những sách đi sâu tìm hiểu về chức quan Việt Nam, ta vẫn bắt gặp ở đâu đó một số tác phẩm đề cập ít nhiều đến chức quan Việt Nam như Lược khảo và tra cứu về học chế và quan chế ở Việt Nam từ 1945 về trước của Lê Trọng Ngoan, Ngô Văn Ban, Nguyễn Công Lý, do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành 1997. Cùng năm ấy có Một số vấn đề về quan chế triều Nguyễn của nhóm tác giả Phan Đại Doạn do NXB Thuận Hóa ấn hành; Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam - Một bộ máy hành chính trước thử thách (1820 - 1918) của Emmanuel Poisson, được dịch và NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2006; hay Giáo dục khoa cử và quan chế ở Việt Nam thời phong kiến, thời Pháp thuộc của Nguyễn Công Lý, NXB Đại học quốc gia TP.HCM ấn hành năm 2011…
Cách nay 20 năm, qua Từ điển về từ điển, NXB Văn hóa ấn hành năm 1999, Vũ Quang Hào đã hệ thống hóa được gần 1.000 cuốn từ điển tiếng Việt được xuất bản. Trong số đó, đa phần là từ điển về các lĩnh vực như ngôn ngữ, tôn giáo, y học… Bóng dáng của từ điển liên quan đến lịch sử chỉ có 3 đầu sách, tuyệt nhiên không có từ điển chuyên sâu liên quan đến chức quan. Đầu năm 2019, tác phẩm Từ điển - Sách công cụ chữ Hán của Việt Nam và Trung Quốc do Trần Văn Chánh viết, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, ta mới có được thống kê trong đó Quan chức nhà Nguyễn và Từ điển chức quan Việt Nam hiện diện.
Tìm hiểu vậy để thấy rằng, viết sách tìm hiểu về chức quan, về quan chế ở nước ta theo triều đại, hoặc là hệ thống hóa, vẫn còn là địa hạt nhận ít sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, một phần là việc tra cứu tư liệu rất vất vả, đọc nhiều, viết ít.
Sự hệ thống hóa công phu
Từ điển chức quan Việt Nam của cố PGS Đỗ Văn Ninh (1931 - 2011) tính đến nay đã được in chính thức ba lần (2002, 2006, 2019). Không chỉ đáng quý ở việc là một trong những cuốn từ điển hiếm hoi hệ thống hóa, giải thích về các chức quan từng tồn tại trong các triều đại đã qua của Việt Nam, mà ở góc độ riêng về công tác học thuật, đây là một cuốn từ điển dày dặn với 1.932 mục từ, nhưng chỉ do một cá nhân thực hiện.
Phải rất tâm huyết, cũng như kiến văn sâu rộng mới làm được việc ấy. Riêng sự tham khảo tư liệu, gạn đục khơi trong các tài liệu liên quan để từ đó chắt lọc lại trong vài câu chữ, đã là một việc làm mất nhiều thời gian, công sức.
Vì thế, ta không lấy làm lạ khi để hình thành nên tác phẩm này, tác giả phải mất 3 năm khảo cứu, biên soạn, sắp xếp các mục từ để tạo tác nên đứa con tinh thần ấy như trong “Lời giới thiệu” của PGS. TS Trần Đức Cường dành cho tác phẩm.
Sách Từ điển chức quan Việt Nam. Ảnh: Đinh Huyền |
Nếu như ở lần xuất bản đầu tiên năm 2002, tác phẩm mới có 1.735 mục từ, thì ở lần xuất bản sau đó, tác giả không ngừng bổ khuyết để số lượng mục từ tăng lên thêm gần 200 mục từ, bao quát hệ thống chức quan Việt Nam kể từ khi có nhà nước đầu tiên (Văn Lang) cho đến triều đại quân chủ chuyên chế cuối cùng (nhà Nguyễn).
Đọc qua nội dung của Từ điển chức quan Việt Nam, độc giả sẽ thấy một mô típ chung, đó là qua từng mục từ, mỗi một chức quan sẽ được tác giả giải thích về nguồn gốc ra đời, lịch sử tồn tại… Như ở mục từ 592 “Hiệp phủ”, ta được biết chức quan này có mặt ở thời Nguyễn, chức năng của nó là “giúp việc cho quản đạo”… “trông coi cửa quan, trấn, thủ, ngự… quản lý các cửa biển, cửa ải…”. Cũng bởi quan chế của các triều đại Việt Nam có sự giống nhau ít nhiều với quan chế Trung Hoa, do đó một số chức quan có tên gọi tương đồng. Và ở đây, tác giả đã có sự khảo chứng, liên hệ những chức quan cụ thể.
Cũng một điều đáng lưu ý là, tác giả không chỉ giải thích các chức quan, mà trong tác phẩm, những vấn đề liên quan về cơ quan, tổ chức (Hàn lâm viện, Quốc tử viện…), quốc hiệu (Xích Quỷ, Đại Việt,…)… cũng được đề cập đến. Rõ ràng, đây là loại từ điển công cụ rất cần thiết với bạn đọc, nhất là những nhà nghiên cứu liên quan đến mảng sử Việt cổ trung đại.
Cũng bởi là công việc của cá nhân, nên tác phẩm chưa thể bao quát, thu lượm hết được các chức quan trong lịch sử nước ta. Ví dụ như một số chức quan “Cẩn quân”, “Cẩn sự lang”, “Chánh đốc lĩnh”, “Tiểu hoàng môn”… Điều này là hết sức bình thường và cũng là gợi mở để các nhà khoa học lịch sử về sau bổ khuyết cho phong phú thêm ở những công trình khác liên quan.