Thông tin được đưa ra trong báo cáo 2 năm thực hiện Quyết định 1291 (ngày 7/10/2019) của Thủ tướng.
TP.HCM cho biết việc tổ chức trung tâm phục vụ hành chính công cấp thành phố khó khăn, chưa đủ điều kiện về hạ tầng và giải quyết vấn đề giao thông để đáp ứng lượng lớn khách liên hệ. Cụ thể là các hạn chế trong điều kiện cơ sở vật chất, tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tăng hàng năm, quy mô mặt bằng xây dựng, điều kiện an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, hạ tầng phục vụ.
Bên cạnh đó, những năm qua, thành phố có nhiều giải pháp cải cách đạt hiệu quả nhất định nên Ban Thường vụ Thành ủy xem xét không thành lập trung tâm này.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại TP Thủ Đức. Ảnh: Quang Huy. |
TP.HCM đánh giá việc đưa ra tiếp nhận một số thủ tục hành chính ngành dọc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết ở cấp huyện, cấp xã đã giảm chi phí cho người dân.
Dù vậy, những năm qua, số lượng thủ tục tiếp nhận tại cấp huyện ngày càng tăng, trong khi đó, biên chế không tăng nên nhiều đơn vị quá tải. Việc bố trí nhân sự gặp khó khăn.
Ngoài ra, một số đơn vị diện tích chật, không đáp ứng điều kiện để mở rộng và tiếp nhận thêm hồ sơ thủ tục hành chính, đặc biệt với lĩnh vực cấp căn cước công dân. Một số đơn vị phải sửa chữa, cải tạo bộ phận tiếp nhận và trả kết quả... Vì vậy, công tác tiếp nhận tại bộ phận này chậm so với yêu cầu của Thủ tướng.
Trước thực trạng đó, UBND TP.HCM kiến nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xem xét cơ chế, giải pháp trong mở rộng triển khai tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính ngành dọc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết cấp huyện, xã phù hợp với địa phương có diện tích trụ sở chật chội.