Kinh tế TP.HCM dự kiến tăng trưởng 5,87% trong quý II. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố số liệu ước tính về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong quý II, dựa trên dữ liệu của Tổng cục Thống kê để so sánh các chỉ số của TP.HCM với các địa phương khác trên cả nước.
Cơ quan này đưa ra lý giải về mức dự báo ước tăng GRDP là 5,87% trong quý II sau khi tăng trưởng chưa đến 1% trong quý đầu năm. Chuyển biến về sản xuất công nghiệp và tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa đang khiến đà tăng trưởng ngày càng khả quan hơn.
Các chỉ số trong tháng 5 tăng trưởng tích cực
Phát biểu tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội ở TP.HCM chiều 1/6, ông Trần Phước Tường, Phó cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, cho biết dù tốc độ tăng trưởng quý II của TP.HCM dự kiến đạt 5,87%, tăng mạnh so với 0,7% ở quý I, trên thực tế nếu so với 63 tỉnh thành, TP.HCM chỉ ở mức trung bình thấp, chứ không cao.
Còn nếu so với 5 thành phố trực thuộc trung ương, TP.HCM được xếp hạng ở vị trí thứ 3, sau Hải Phòng (10,45%) và Hà Nội (5,98%).
Xếp hạng GRDP của TP.HCM so với 5 TP trực thuộc Trung ương | ||||||
Dữ liệu: Cục thống kê TP.HCM. | ||||||
Nhãn | Hải Phòng | Hà Nội | TP.HCM | Cần Thơ | Đà Nẵng | |
% | 10.45 | 5.98 | 5.87 | 3.61 | 0.21 |
Lý giải về mức dự kiến tăng trưởng này, ông Tường cho biết trong 3 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đều tăng trưởng âm, tuy nhiên, đến tháng 4, IIP đã có chuyển biến tích cực hơn.
Chỉ số IIP trong tháng 5 ước tăng 1,51% so với tháng trước và tăng 5,45% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm, IIP tăng 1,62% so cùng kỳ, dự kiến quý II tăng 1,68%. "Đây là 1 trong những yếu tố cho thấy tăng trưởng phục hồi trở lại", ông Tường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cho hay tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong năm 5 tháng đầu năm của thành phố đã tăng 9,4%, sức mua nội địa vẫn duy trì tốt.
Ông Trần Phước Tường, Phó cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội ở TP.HCM chiều 1/6. Ảnh: Thành Nhân. |
Theo ông, hiện tượng một số cửa hàng có sức mua giảm chủ yếu tập trung ở quận 1 bởi đối tượng khách hàng ở khu vực này nhắm tới người nước ngoài. Trong khi đó, ở những khu vực tập trung dân cư lao động vẫn đông đúc.
Đồng thời, ông cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, sức mua trên sàn thương mại điện tử luôn tăng trưởng 2 chữ số, do vậy mới có hiện tượng một số cửa hàng có vẻ vắng khách.
"Đặc biệt là sau dịp lễ 30/4, tình hình dịch bệnh không diễn biến phức tạp, tâm lý người dân tốt hơn, tiêu thụ cũng tương đối tốt", ông nói.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm nay đã giảm 0,09% so với tháng trước qua đó góp phần CPI bình quân so với cùng kỳ tăng chậm lại. Tuy nhiên, việc tăng giá điện và lương tối thiểu sẽ gây áp lực lên chỉ số giá trong thời gian tới, vì vậy việc kiềm chế lạm phát luôn ưu tiên để góp phần tăng sức mua nội địa và tăng trưởng kinh tế.
Đại diện Cục Thống kê TP.HCM cũng cho cho biết môi trường kinh doanh trên địa bàn dần được cải thiện. Lũy kế 5 tháng đầu năm, thành phố có 25.089 doanh nghiệp tham gia vào thị trường, nhưng cũng có đến 18.243 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Điều đó có nghĩa là cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì cũng có 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tỷ lệ này của tháng 1 là 15; 2 tháng là 13; 3 tháng là 9 và 4 tháng là 8).
Đáng chú ý, dự án FDI vào TP.HCM cũng đã tăng đáng kể, trong 5 tháng đầu năm nay, có 374 dự án FDI cấp mới, tăng 60,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng số vốn đăng ký chỉ đạt 200 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ.
Ước tính giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng lần lượt đạt 12,9% và 21,9% theo kế hoạch vốn của Thủ tướng giao và kế hoạch của thành phố giao. Đáng chú ý, cả hai chỉ số này đều tỷ lệ giải ngân cùng kỳ của năm 2022.
Trong khi đó, tình hình xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục gặp khó do thị trường Trung Quốc, Mỹ chưa phục hồi. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước 5 tháng đạt 16,5 tỷ USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 21,9 tỷ USD, giảm 22,7% so với cùng kỳ.
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp
Để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cho thành phố năm nay, Cục Thống kê TP.HCM cũng đưa ra một số giải pháp.
Theo đó, cơ quan này cho rằng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng và đóng góp cao nhất vào GRDP của thành phố, do đó, nên tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng cách duy trì hoạt động thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm, thay thế và bổ sung các thị trường xuất khẩu tiềm năng trong khi các thị trường truyền thống đang gặp khó khăn.
Đồng thời, thúc đẩy tiến độ đi vào hoạt động của doanh nghiệp mới bằng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đào tạo và giới thiệu nguồn nhân lực.
Trong thời gian tới, TP.HCM nên tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: T.L. |
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hiệu quả chương trình bình ổn giá của thành phố vừa giảm bớt khó khăn cho người lao động vừa kích cầu tiêu dùng.
Thực hiện gói tín dụng ưu đãi cho các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá nhằm ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa, dịch vụ
Ngoài ra, TP.HCM cần tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công vì vốn đầu tư công đóng vai trò là "vốn mồi dẫn dắt đầu tư ngoài nhà nước" cho nền kinh tế vừa kích thích tiêu dùng, vừa thu hút vốn tư nhân vào sản xuất góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, địa phương cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cả phía cung và cầu.
Theo Cục Thống kê, thành phố cần nắm bắt cơ hội, điều kiện từ chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu, ban hành Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng được gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ để giúp cho doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn thực hiện thanh toán nợ vay một cách tốt nhất, củng cố lòng tin của nhà đầu tư và thị trường đối với doanh nghiệp.
Đặc biệt là đẩy nhanh hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM để thu hút nguồn lực đầu tư.
Thành phố cũng cần đánh giá toàn diện, tháo gỡ khó khăn Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động góp phần đảm bảo nhu cầu lao động cần thiết cho nền kinh tế vừa đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, từ đó góp phần cải thiện năng suất lao động.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.