Pele chưa từng chơi bóng ở châu Âu dù có một sự nghiệp vĩ đại. |
Với nhiều cầu thủ, chơi bóng ở châu Âu và giành những danh hiệu như Champions League và Quả bóng vàng là mục tiêu tối thượng. Nhưng "Vua bóng đá" Pele chưa bao giờ đặt chân đến bên kia bờ Đại Tây Dương để thể hiện bản thân mình trên sân cỏ.
Thực tế, nhiều CLB đã cố gắng nhưng không thể ký hợp đồng với Pele, đặc biệt ngay sau các kỳ World Cup 1958 và 1962. Manchester United, Valencia và nổi bật nhất Real Madrid đều từng muốn chiêu mộ Pele nhưng không thành.
"Đã có nhiều lần, tôi tiến rất gần đến việc ký hợp đồng với Real Madrid. Sau đó một lần nữa với Napoli ở Italy", Pele từng tiết lộ, "Tôi không hối tiếc. Tôi gắn bó với Santos. Vào thời điểm đó, họ là một thế lực của bóng đá".
Huyền thoại vừa qua đời ở tuổi 82 kết luận: "Tôi không thi đấu bên ngoài Brazil vì tôi cảm thấy rất hạnh phúc ở Santos. Tôi đã trải qua 15, 20 năm đẹp nhất cuộc đời mình ở đó. Tôi cũng nhận được rất nhiều đề nghị khác không chỉ từ Real Madrid nhưng tôi thấy ổn với vị trí của bản thân".
Ngoài Napoli, Pele còn tiến gần đến việc gia nhập 2 ông lớn Italy khác là Juventus và Inter Milan. Người duy nhất 3 lần vô địch World Cup tiết lộ mối liên hệ của ông với "Bà đầm già" trên trang cá nhân vào năm 2018 khi chúc mừng Cristiano Ronaldo cập bến Turin. Ông viết: “Chúc may mắn, Cristiano, trong trận đấu đầu tiên với Juventus. Nếu mọi chuyện diễn ra theo cách khác, có lẽ tôi cũng đã khoác áo Juventus".
Về phần Inter, vào năm 1958, họ thành công trong việc đồng ý ký hợp đồng với Pele để ông chuyển đến San Siro. Tuy nhiên, ngay khi tin tức này lan truyền, các cổ động viên Santos bắt đầu nổi giận.
Massimo Moratti, con trai ông Angelo, Chủ tịch Inter vào thời điểm đó, kể lại: “Ở đầu bên kia điện thoại, có một người đàn ông rất lo lắng cho tính mạng của mình. Hợp đồng hoàn tất và Inter chỉ cần đăng ký cầu thủ. Nhưng ngay khi tin tức lan truyền đến Brazil, người hâm mộ Santos bắt đầu tấn công giám đốc của họ. Bạn có thể làm gì? Đó không còn là một thỏa thuận bóng đá mà là một hành động có lương tâm của cha tôi, người đã xé bỏ hợp đồng".
Pele được coi là "báu vật quốc gia" Brazil và việc ông rời Santos có lẽ là hành động không thể chấp nhận đối với nhiều người. Vì lẽ đó, huyền thoại người Brazil đã gắn bó gần như trọn vẹn sự nghiệp ở quê nhà. Ông chỉ chuyển tới Mỹ chơi cho New York Cosmos một thời gian ngắn trước khi giải nghệ.
Dù vậy, xuất hiện không ít lời gièm pha về việc Pele chỉ thi đấu ở Brazil và sau đó là Mỹ. Người ta cho rằng mọi thứ có thể trở nên khó khăn hơn đối với "Vua bóng đá" nếu ông sang châu Âu chơi bóng.
Thời nay, đó có thể coi là một lập luận hợp lý. Mặc dù giải VĐQG Brazil mạnh và đầy rẫy những cầu thủ kỹ thuật, nó được cho là không thể sánh với các giải hàng đầu châu Âu. Nhưng, mọi thứ khác biệt vào thời của Pele. Không riêng gì Pele, những cầu thủ Brazil giỏi nhất chơi bóng ở quê nhà, không phải châu Âu.
Về cơ bản, tiền bạc từng bước biến châu Âu trở thành điểm đến mơ ước của các cầu thủ từ khắp nơi trên thế giới. Sau nhiều thập kỷ, nó trở thành xu hướng chung và châu Âu giờ được coi là tiêu chuẩn đối với mọi nền bóng đá. Các đội bóng châu Âu thời bấy giờ nổi tiếng chơi bóng kỷ luật và khoa học. Tuy nhiên, Pele, với tài năng và khả năng chơi bóng đạt đỉnh phong độ, có thể khuất phục đối thủ mỗi khi Santos của ông được dịp đối đầu với các đại diện của lục địa già.
Năm 1962, Pele truyền cảm hứng cho Santos giành chức vô địch Copa Libertadores (giải vô địch các CLB Nam Mỹ), lần đầu tiên đối với một CLB Brazil. Danh hiệu giúp Santos có cơ hội đối đầu nhà vô địch châu Âu, Benfica của Bồ Đào Nha, đội có Eusebio trong hàng ngũ, tại Cúp Liên lục địa. Pele ghi 5 bàn giúp Santos đánh bại Benfica với tỷ số chung cuộc 8-4 trong trận đấu diễn ra 2 lượt. Thủ môn Costa Pereira của Benfica nói rằng ông hy vọng ngăn chặn được cầu thủ vĩ đại, nhưng thay vào đó lại bị “hủy diệt bởi người đàn ông không đến cùng một hành tinh”.
Năm tiếp theo, Pele một lần nữa rực sáng để giúp Santos bảo vệ thành công cúp Copa Libertadores. Lần này Santos chạm trán một thế lực lớn và tên tuổi khác, AC Milan, ở Cúp Liên lục địa. CLB Nam Mỹ vượt qua đại diện Italy với tỷ số chung cuộc 7–6 trong 3 trận đấu (hai lượt trận kết thúc với tỷ số hòa, cộng với một trận play-off). Pele ghi hai bàn.
Pele có thể thâu tóm nhiều Quả bóng vàng hơn nếu phạm vi của giải thưởng được trao rộng hơn khi mới thành lập. Quả bóng vàng của tạp chí France Football được coi là danh hiệu cá nhân cao quý nhất của bóng đá thế giới. Nhưng, khi ra đời vào năm 1956, nó chỉ dành cho các cầu thủ châu Âu.
Năm 2016, để kỷ niệm 60 năm thành lập Quả bóng vàng, France Football đánh giá lại và Pele được vinh danh là chủ nhân của giải thưởng thay thế cho người chiến thắng ban đầu trong các năm 1958, 1959, 1960, 1961, 1963, 1964 và 1970. Năm 1999, France Football cũng chọn ông là "Cầu thủ của thế kỷ". 4 vị trí còn lại trong cuộc bầu chọn lần lượt thuộc về Diego Maradona, Johan Cruyff, Alfredo Di Stefano và Michel Platini.
Ngày nay, Lionel Messi và Cristiano Ronaldo có thể mở ra cuộc tranh luận xem ai là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, di sản của Pele trong công cuộc cách mạng hóa môn thể thao vua, với tầm ảnh hưởng to lớn đã vượt ngoài phạm vi bóng đá.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...