Trong cuộc phỏng vấn với Marketplace ngày 2/11, Dan Wallach, Giáo sư Khoa học Máy tính từ Đại học Rice, cho rằng việc bầu tổng thống qua Internet đặt ra nhiều thách thức về bảo mật, tránh gian lận kết quả.
“Chúng ta chưa có giải pháp đảm bảo rằng máy tính cử tri không bị nhiễm mã độc để thao túng kết quả bỏ phiếu. Chúng ta chưa tìm ra cách đảm bảo Internet luôn ổn định. Chúng ta cũng chưa thể giải quyết khó khăn về kỹ thuật, khía cạnh cần xử lý đầu tiên trước khi nghĩ đến bỏ phiếu qua Internet”, Wallach chia sẻ.
Cử tri xếp hàng tại điểm bỏ phiếu ở Pennsylvania, bang chiến trường có thể quyết định kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Ảnh: AP. |
Lo sợ bị tin tặc đánh sập website
Theo Wallach, phát triển hệ thống bỏ phiếu trên Internet không hề khó. Tuy nhiên việc bảo mật, tránh gian lận kết quả mới là thách thức lớn nhất. Nhiều đội ngũ tin tặc hoàn toàn có thể xâm nhập và thay đổi kết quả bầu cử. Điều đó đòi hỏi hệ thống bỏ phiếu qua Internet có tiêu chuẩn bảo mật rất cao.
Nếu không thao túng kết quả, các nhóm tin tặc có thể thực hiện tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) để đánh sập website bỏ phiếu. Theo Wallach, đó là phương thức tấn công dễ thực hiện và cũng khó xây dựng hệ thống bảo mật nhất.
“Lấy ví dụ đơn giản, chúng ta sẽ cần hệ thống nhận kết nối từ hàng triệu máy tính của cử tri, sau đó xác minh rằng không có máy nào nhiễm mã độc hoặc bị giả mạo”, Wallach cho rằng hiện chưa có công nghệ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những hệ thống này.
Nhân viên kiểm phiếu tại tòa thị chính Beloit, bang Wisconsin ngày 3/11. Ảnh: Getty Images. |
Kết quả có thể bị thao túng
Khi được hỏi về khả năng thao túng kết quả bầu cử hoặc lựa chọn của cử tri bị tiết lộ, Wallach nhận định đó cũng là vấn đề đáng quan tâm.
“Giống như bạn chuyển tiền qua Internet... Năm nào số thẻ tín dụng của tôi cũng bị lộ nên phải đổi thẻ, chịu mất phí và đã quen với điều đó. Hãy tưởng tượng hệ thống bỏ phiếu cũng gặp vấn đề tương tự. Thông tin bỏ phiếu là ẩn danh, nghĩa là mọi thứ có thể bị làm giả, và chúng ta sẽ không thể phát hiện điều đó”, thành viên Ủy ban Triển khai Hướng dẫn Kỹ thuật thuộc Ủy ban Hỗ trợ Bầu cử Mỹ, cho biết.
Theo Wallach, do lựa chọn ứng viên là riêng tư nên có khả năng các cử tri bị đe dọa hoặc mua chuộc để bầu cho ứng viên khác. Tâm lý cử tri cũng muốn đảm bảo phiếu bầu được ghi nhận đầy đủ và chính xác, đó là lý do bầu cử qua Internet chưa thể được triển khai tại Mỹ.
Theo USA Today, nhiều quốc gia đã áp dụng bỏ phiếu qua Internet như Estonia, Chile hay Uganda. Thụy Sĩ cũng áp dụng bầu cử qua Internet từ năm 2014 cho người nước ngoài. Tuy nhiên Caitriona Fitzgerald, Giám đốc Công nghệ của Trung tâm Bảo mật Thông tin Điện tử (EPIC) cho rằng nước Mỹ chưa sẵn sàng áp dụng hình thức này.
"Những quốc gia ấy có dân số nhỏ hơn nhiều so với Mỹ. Nguy cơ hệ thống bầu cử của họ bị nước ngoài xâm nhập cũng thấp hơn", Fitzgerald nhận định.
Nhân viên chuẩn bị kiểm phiếu bầu gửi qua đường bưu điện tại New Jersey. Ảnh: New York Times. |
"Bỏ phiếu giấy vẫn tốt nhất"
Khi bầu tổng thống Mỹ, cử tri sẽ được phát phiếu giấy với tên ứng viên, khu vực tô để lựa chọn và ký tên. Cách bỏ phiếu giấy đã được áp dụng từ hơn 100 năm trước, nhưng Wallach cho rằng đây vẫn là lựa chọn tốt bởi nó không thể bị mã độc lây nhiễm, không xóa hoặc thay đổi. Nếu kết quả từ phiếu có dấu hiệu bất thường, ban kiểm phiếu vẫn giữ lại phiếu gốc để đối chiếu, trả về kết quả chính xác.
Hiện nay, cử tri Mỹ còn có thể bỏ phiếu sớm hoặc điền phiếu tại nhà rồi gửi qua đường bưu điện. Một website cho phép nhập thông tin. Sau khi điền xong, phiếu sẽ được in ra giấy để cử tri gửi qua đường bưu điện.
Các bang Oregon và Colorado đã áp dụng 100% bỏ phiếu qua bưu điện. Theo Wallach, đó là công nghệ hiệu quả nhất hiện nay để bầu cử tại nhà khi kết hợp giữa Internet để điền phiếu với giải pháp gửi phiếu truyền thống.