Thảm kịch hôm 24/5 tại trường tiểu học Robb (Texas) là vụ việc mới nhất trong lịch sử bạo lực súng đạn lâu đời ở Mỹ. Trước đó, ít nhất 39 vụ xả súng đã xảy ra tại các trường học ở nước này chỉ riêng trong năm nay, khiến ít nhất 10 người chết và 51 người bị thương, theo CNN.
Loạt vụ xả súng đã thổi bùng sự phẫn nộ của người dân Mỹ đối với luật sở hữu súng ở nước này - vấn đề vốn rơi vào bế tắc tại Quốc hội trong nhiều năm qua.
Trong khi các đề xuất sửa đổi luật sở hữu súng, chẳng hạn lệnh cấm vũ khí tấn công hoặc băng đạn dung lượng lớn, có ít khả năng được thông qua ở cấp liên bang, vẫn có một số lĩnh vực nhận được sự đồng tình từ lưỡng đảng. Tuy nhiên, liệu điều này có đủ để phá vỡ sự bế tắc của Quốc hội Mỹ hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
Đứa trẻ nhìn từ cửa sổ Trung tâm Hành chính Uvalde, Texas, sau khi được chuyển đến từ trường tiểu học nơi xảy ra vụ xả súng. Ảnh: Reuters. |
Những dự luật bị “mắc kẹt”
Trong nhiều năm, hoạt động mua bán súng tại Mỹ tiếp diễn thông qua việc lợi dụng "lỗ hổng Charleston". Lỗ hổng này cho phép một số hoạt động bán súng được thực hiện trước khi khâu kiểm tra lý lịch được hoàn thành.
Vào năm 2015, một tay súng đã lợi dụng sơ hở này để mua một khẩu súng và sử dụng trong vụ sát hại 9 người tại một nhà thờ của người da đen ở Charleston, Nam Carolina.
Trước những mối nguy hiểm mà "lỗ hổng Charleston" có thể gây ra, năm 2021, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật HR 1446, với 219 phiếu thuận và 210 phiếu chống. Cụ thể, dự luật sẽ cho phép các nhà chức trách có từ 3-10 ngày làm việc để hoàn thành việc kiểm tra lý lịch liên bang trước khi cấp phép cho hoạt động bán súng.
Không rõ khi nào Thượng viện sẽ bỏ phiếu về dự luật này, nhưng nó cần 60 phiếu ủng hộ để được thông qua. CNN nhận định rõ ràng dự luật không có sự ủng hộ đó, ít nhất là vào thời điểm này.
Người phụ nữ bật khóc bên ngoài hiện trường vụ xả súng ở Texas, hôm 24/5. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal của Connecticut, người đã thúc đẩy luật an toàn súng đạn kể từ vụ xả súng Sandy Hook ở bang của ông gần 10 năm trước, hôm 25/5 cho biết nên có một cuộc bỏ phiếu ngay cả khi có khả năng không được thông qua.
“Chúng ta cần quy trách nhiệm cho mọi thành viên Quốc hội và bỏ phiếu để công chúng biết quan điểm của mỗi người”, ông nói.
Trong khi đó, HR 8 - một dự luật khác cũng được thông qua vào năm 2021 - sẽ mở rộng việc kiểm tra lý lịch đối với tất cả giao dịch mua bán hoặc chuyển giao súng trong nước. Hiện tại, việc kiểm tra lý lịch không bắt buộc đối với các giao dịch mua bán và chuyển nhượng súng giữa những người bán tư nhân và không có giấy phép.
Khi được hỏi về dự luật này, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin cho biết: "Nếu các vị không thể thông qua Manchin - Toomey, làm thế nào các vị có đủ số phiếu cho bất cứ điều gì?”, đề cập đến nỗ lực của ông với Thượng nghị sĩ Pat Toomey liên quan đến luật mua bán súng.
Vào năm 2013, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Pat Toomey đã thúc đẩy một dự luật yêu cầu kiểm tra lý lịch đối với tất cả hoạt động bán súng thương mại, nhưng sẽ cho phép các cá nhân bán súng của họ cho gia đình, bạn bè và những người quen khác mà không cần kiểm tra lý lịch.
Dự luật này không được Thượng viện thông qua, mặc dù được đa số ủng hộ. Lãnh đạo phe đa số của Thượng viện lúc bấy giờ là Harry Reid đã bỏ phiếu “không" để đảm bảo dự luật có thể được trình một lần nữa. Bốn đảng viên Dân chủ khác cũng đã bỏ phiếu chống lại dự luật.
Đảng Cộng hòa sẽ lập luận rằng việc kiểm tra lý lịch làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng súng và cuối cùng sẽ tước bỏ súng. Bên cạnh đó, họ cho rằng các dự luật sẽ không ngăn chặn mọi vụ nổ súng.
Hiện tại, luật sử dụng súng ở các tiểu bang có nhiều điểm khác nhau. Hầu hết động thái tác động đến quy định về sử dụng súng đang diễn ra ở cấp tiểu bang, vì Washington đã đóng băng vấn đề này.
“Nghệ thuật câu giờ” tái diễn
Các đảng viên Dân chủ cho rằng việc lưỡng đảng không thỏa hiệp cũng đồng nghĩa các quy tắc của Thượng viện phải thay đổi.
Cảnh sát đứng bên ngoài trường trung học Uvalde sau vụ xả súng ở trường tiểu học Robb hôm 24/5. Ảnh: AP. |
Có rất nhiều chủ đề mà đảng Cộng hòa sẽ ngăn chặn đảng Dân chủ, bao gồm việc hạn chế quyền sử dụng súng, mở rộng quyền bỏ phiếu, ứng phó biến đổi khí hậu, cắt giảm thuế và nhiều vấn đề khác. Do đó, những lời kêu gọi chấm dứt thủ tục Filibuster sẽ tiếp tục gia tăng.
Tại Thượng viện Mỹ, "Filibuster" là quy định việc thông qua dự luật phải nhận được đa số áp đảo 60/100 phiếu, thay vì đa số quá bán 51/100 phiếu. Quy định này nhằm khuyến khích đạt được các thỏa thuận lưỡng đảng, nhưng cũng được xem là một "nghệ thuật câu giờ" của các nhà lập pháp Mỹ. Cho đến khi mọi đảng viên Dân chủ đồng ý, thủ tục này sẽ không thể biến mất.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin ủng hộ các biện pháp kiểm soát súng, nhưng ông chú trọng hơn đến việc duy trì các quy tắc của Thượng viện, trong đó có thủ tục Filibuster.
“Filibuster là thứ duy nhất giúp chúng ta tránh khỏi sự điên rồ”, ông nói vào ngày 24/5.
Các đảng viên Dân chủ khác, chẳng hạn Thượng nghị sĩ Arizona Kyrsten Sinema, cũng ủng hộ việc duy trì thủ tục này.
Đáng chú ý, sau khi bà Sinema viết trên Twitter rằng bà "kinh hoàng và đau lòng" bởi vụ nổ súng ở Texas vừa qua, Hạ nghị sĩ Ruben Gallego đã chỉ trích bà vì ủng hộ thủ tục này.
"Xin hãy dừng lại. Nếu không sẵn sàng phá vỡ thủ tục Filibuster để thực sự thông qua các biện pháp kiểm soát súng hợp lý, bà sẽ chỉ có thể nói 'suy nghĩ và cầu nguyện'", Hạ nghị sĩ Ruben Gallego viết trên Twitter.
Hiện tại, trừ khi tất cả đảng viên Dân chủ đồng ý chấm dứt thủ tục Filibuster hoặc đảng Cộng hòa bắt đầu ủng hộ các biện pháp kiểm soát súng với tỷ lệ lớn hơn, nước Mỹ sẽ không thể có luật liên bang mới về súng đạn.
Tổng thống Joe Biden hôm 24/5 cũng kêu gọi các nhà lập pháp "biến nỗi đau thành hành động", viện dẫn một số vụ xả súng hàng loạt kể từ vụ việc năm 2012 tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, khi ông còn là phó tổng thống.
“Chúng ta phải hành động”, ông nói, đề cập đến những hạn chế mới đối với việc sở hữu vũ khí.