Nội dung tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành hai luật - một do Bộ GTVT và một do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, “chuyển giao” nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 48, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an nêu nhiều cơ sở cho việc này.
Hạn chế nạn bằng giả
Theo ông Ngọc, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
“Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật, dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực”, lãnh đạo Bộ Công an trình bày.
Trong khi đó, lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang tồn tại, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Nêu thống kê từ 2009 đến nay, Việt Nam có hơn 334.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết hơn 101.000 người, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết hơn 95% tổng số TNGT liên quan đến đường bộ. Trong đó, lỗi do vi phạm của người điều khiển phương tiện chiếm trên 90%.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quốc hội. |
Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng việc tách thành hai luật riêng đi theo hướng chuyên sâu hóa. Theo đó, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông. Còn Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có mục tiêu lớn nhất là đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ.
Tham khảo pháp luật nhiều nước trên thế giới, ông Ngọc cho bết các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nga, Đức, Italy...).
“Do đó, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết”, ông Ngọc nói.
Việc tách bạch hai lĩnh vực, theo ông Ngọc, thực sự cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ trong tình hình mới.
Về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, thiếu tướng Ngọc nhấn mạnh quan điểm của Bộ Công an là xã hội hóa việc đào tạo, có quy định để các cơ sở đào tạo, sát hạch hoạt động, tức là sát hạch ở đâu cũng được, còn Bộ Công an sẽ tổ chức và đưa ra các tiêu chí để đảm bảo.
“Việc cấp GPLX chúng tôi sẽ đảm bảo hạn chế nạn giấy phép giả. Tình trạng này hiện rất phức tạp, chúng tôi đang chỉ đạo chuyên án bao phủ trên các tỉnh”, ông Ngọc nói.
Bộ Công an "quản lý xuyên suốt"
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, việc tách bạch rõ ràng hai lĩnh vực này để đưa vào xây dựng hai đạo luật là rất cần thiết.
Trong dự thảo luật quy định mới về nhiệm vụ quản lý GPLX của Bộ Công an (trước đây thuộc Bộ GTVT), nhưng theo ông Việt, còn thiếu đánh giá, dự kiến về nguồn nhân lực, tài chính để thi hành luật.
Nêu quan điểm về việc chuyển giao thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, ông Việt cho biết từ 2001 đến nay, công tác này được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và được thực hiện ổn định.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: Hải Ninh. |
Bộ GTVT cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về hoạt động này, song vẫn còn một số bất cập về chất lượng đào tạo, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và theo dõi thi hành pháp luật về an toàn giao thông đối với lái xe.
“Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thuộc phạm vi quản lý người điều khiển phương tiện giao thông, liên quan trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông, nên khi tách ra thành hai luật thì nội dung trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là phù hợp”, ông Việt nói.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, giao Bộ Công an để thống nhất quản lý về phương tiện và người tham gia giao thông; quản lý hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt, chặt chẽ từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX.
Nêu bản chất của vấn đề là xác định bộ nào quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp, đổi và thu hồi GPLX, ông Việt cho biết Bộ GTVT đã thống nhất trình Quốc hội quy định lĩnh vực này thuộc thẩm quyền của Bộ Công an.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Bộ Công an, Bộ GTVT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức biên chế, kinh phí thực hiện, tính hiệu quả của việc này cũng như kinh nghiệm các nước.
Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ gồm 8 chương, 72 điều với những nội dung cơ bản như quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.