Tuổi hạ giá của các công chúa là 16, khác với con gái thường dân, - nữ thập tam đã có thể lấy chồng.
Khi một công chúa 16 tuổi, nhà vua lệnh cho nội thần từ Bộ Lại đến Bộ Binh biết để các bộ này cùng lo đề cử con cháu các công thần sánh duyên với nàng. Theo nguyên tắc, một bản danh sách gồm năm chàng trai con cháu ba đời công thần được lựa trước, đệ lên nhà vua để Ngài chọn lấy một người. Bản danh sách kê rõ lý lịch, niên kỷ của các chàng trai ít nhất là 16 tuổi, và cũng cần kén những người khỏe mạnh không bệnh tật mới ghi vào.
Công chúa và phò mã nhà Nguyễn năm 1907. Ảnh tư liệu của B.A.V.H. |
Nhà vua nhận được danh sách, liền cử một vị hoàng thân thay vua làm chủ hôn và một vị đại thần sung chức chiếu liệu để lo lắng công việc hôn lễ, cả hai người đều là người tuổi tác vợ chồng song toàn con cái đủ nếp tẻ đông đúc.
Hai vị chủ hôn và chiếu liệu cùng nhau chọn người xứng đáng hơn cả, hợp với tuổi công chúa tâu lên vua hay. Nhà vua, nếu ưng thuận, vòng một vòng son vào tên người được chọn.
Việc lựa chọn xong, nhà vua ban tiền cho phò mã tương lai để sắm phủ cho hai vợ chồng sau này. Nhà vua cũng ban cho tiền để sắm quần áo gồm áo mão hia đai, mũ cho công chúa, mũ này kết năm con phượng vàng nhận hạt trai, và san hô, áo bào...
Phò mã tương lai cũng sắm mọi vật dụng cần dùng cho gia đình và nhất là một chiếc thuyền xinh đẹp, để sau này khi nhà vua đi đâu, vợ chồng có thể đi theo hầu được.
Khâm thiên giám được lệnh chọn ngày, rồi trong một buổi thiết triều, vua truyền chỉ cho vị chủ hôn biết về lễ cưới sắp tới để báo lại cho nhà trai hay.
Đến ngày ấn định, chủ hôn tới nhà trai để báo tin lành. Nơi đây, gia đình nhà trai đã đặt hương án để đón tiếp sứ giả.
Sứ giả mặc triều phục có lính cầm cờ quạt theo hầu. Sứ giả vào đứng bên trái hương án, gia đình nhà trai đứng bên phải. Sứ giả truyền lại quyết định của nhà vua gả công chúa cho chàng trai.
Một ngày sau, trong một phiên triều, cha chàng mặc triều phục cùng một số đàn ông trong họ vào lạy tạ ơn vua năm lạy. Đồng thời, mẹ chàng trai cũng cùng một số quyến thuộc đàn bà vào lạy tạ ơn Hoàng hậu.
Sau đó, ông chủ hôn sẽ báo cho nhà trai ngày giờ cử hành hôn lễ, do Khâm thiên giám lựa chọn và đã được nhà vua chuẩn y.
Lễ cưới theo đúng phong tục, nghĩa là gồm đủ các lễ từ Nạp thái, Thân nghinh. Trong mọi lễ nhà trai đều có phẩm vật tặng cô dâu.
Ngoài các lễ trong dân gian vẫn cử hành, còn lễ Điện nhạn trước lễ Thân nghinh. Theo tục lệ Trung Quốc, trong lễ Điện nhạn, nhà trai phải đem tới nhà gái một cặp nhạn để làm tin, nhưng tại nước ta, không có nhạn, cặp nhạn được thay bằng cặp ngỗng.
Ngoài cặp ngỗng, nhà trai còn có 2 hộp chỉ ngũ sắc, 100 đồng tiền để tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc.
Trong các lễ nghi, những lễ vẫn đều đem tới Tôn Nhân phủ, nhà thờ của họ Nguyễn Phước, là nơi cử hành hôn lễ.
Trước ngày cử hành hôn lễ, vua sai đại thần mang lễ vật tới các lăng miếu để cáo với các vị tiên vương việc công chúa hạ giá.
Trước ngày nghênh hôn ba hôm, các nữ quan đưa công chúa vào lạy ở các lăng miếu, đoạn vào cung lạy Hoàng hậu và Hoàng thái hậu.
Hôm nghênh hôn, chàng trai vào Đại nội lạy vua năm lạy dâng lễ để xin rước công chúa. Nhà vua ban lời giáo huấn, rồi phò mã được đưa vào một gian phòng màn che sáo phủ để ngồi chờ.
Công chúa cũng vào hầu vua cha quỳ nghe lời giáo huấn. Nhà vua ban cho ngự tửu. Công chúa lạy vua năm lạy rồi sang hầu Hoàng hậu quỳ nghe lời dạy dỗ. Sau đó nàng cũng lạy mẹ năm lạy như lạy vua cha.
Đến giờ rước dâu, phò mã tự tay vén màn kiệu mời công chúa bước lên.
Đi theo đám cưới có các ông chủ hôn, chiếu liệu và các phu nhân, một vị đại thần lão thành và phu nhân, sáu nữ quan, một số thị nữ, phu khiêng kiệu, cầm cờ quạt, tàn tán và có 8 em bé vừa trai vừa gái cầm đèn lồng, cành thiên tuế và ôm ngỗng.
Ra khỏi cung, phò mã lên ngựa đi bên kiệu. Đến phủ, kiệu công chúa đưa tới tận thềm, phò mã xuống ngựa, vén màn kiệu mời công chúa xuống, đưa nàng vào phòng riêng ở chái Tây, còn chàng nằm ở chái Đông.
Đúng giờ tốt, đôi bên làm lễ hợp cẩn, uống chung rượu, ăn chung mâm và chung miếng trầu. Ly uống rượu của đôi vợ chồng là một quả bầu nhỏ cắt làm đôi.
Giường chiếu của cặp vợ chồng này do ông bà chiếu liệu sắp đặt. Đây là một công việc thiêng liêng, cần cẩn trọng không thể để bất cứ ai phụ trách được.
Ngày hôm sau, công chúa ra mắt bố mẹ chồng. Nàng đứng hướng Tây lạy bốn lạy. Bố mẹ chồng ở hướng Đông đáp lễ bằng cách vái hai vái.
Ngày thứ ba, công chúa đi lễ nhà thờ họ bên chồng.
Ngay thứ chín, hai vợ chồng dắt nhau vào Đại nội lạy mừng phụ hoàng. Phò mã đứng dưới sân chầu, công chúa được lên điện.
Vua ban cho phò mã một bộ áo triều tam phẩm, hai cái áo gấm màu và hai bộ yên cương.
Lạy mừng vua cha xong, hai vợ chồng lại vào cung lạy mừng mẫu hậu.
Kể từ đó, ông chồng được lĩnh chức Phò mã Đô úy và hai vợ chồng tiếp tục sống những tuần đầu của cuộc hôn nhân.