Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do chúng ta thích xem người khác ăn

Các video Mukbang trở thành một trào lưu phổ biến chứng minh việc chúng ta thích nhìn người khác ăn theo cách bản thân không thể. Nhưng vì sao nó lại thu hút đến vậy?

Diễn viên các chương trình nhạy cảm, Terry Crews, đang gần như hét lên. Bạn có thể sẽ nghĩ anh đang bị tra tấn. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của chương trình quảng cáo giải trí trên YouTube mang tên Hot Ones.

Hàng nhiều thế kỉ qua, con người luôn hứng thú với việc xem người khác ăn những món ăn kinh khủng và ghê rợn. Cách làm có thể thay đổi theo địa điểm, nhưng đây là một loại hình giải trí.

Trên thực tế, chúng ta thích các cuộc thi như ăn hot dog và thường tổ chức các cuộc thi ăn. Trên chương trình truyền hình thực tế, chúng ta có cuộc thi ăn những món ăn bốc mùi như Fear Factory hay Epic Meal Time trên YouTube.

Bây giờ chúng ta còn có những thử thách về đồ ăn nổi tiếng như Mukbang trên YouTube (Mukbang được hiểu là một ngày ăn không giới hạn). Không thể thiếu những chương trình như Hot Ones, trong đó người nổi tiếng sẽ giới thiệu phim của họ thông qua các thử thách "trào nước mắt" như ăn cánh gà cay.

Thử thách giới hạn bản thân theo cách an toàn

"Thử thách ăn dường như trở thành một trào lưu phổ biến nhất trên YouTube hiện nay”, Josh Scherer, một đầu bếp, cựu nhà báo ẩm thực và là chủ của chương trình Food Fears trên YouTube, chia sẻ với Mashable.

Bấm vào một video và bạn cảm thấy rất khó dừng xem cho đến khi chạm đến ngưỡng chịu đựng của bạn. Còn người ăn thì có thể tiếp tục không? Họ có sống được đến lúc ăn miếng tiếp theo? Họ sẽ chịu đựng chuyện đó như thế nào?

Những nhà sáng tạo vẫn tiếp tục làm ra những nội dung giải trí liên quan đến các thực phẩm kinh khủng. Dù phổ phản ứng cảm xúc khá nhỏ và chủ yếu là khó chịu, vẫn có hàng triệu lượt xem bởi người ta không ngừng bị thu hút bởi các nội dung này.

Trong tâm lý học phát triển có một lý thuyết gọi là khổ hạnh lành tính. Lý thuyết này có thể chứa đựng các câu trả lời mà ta không thể làm ngơ.

Khổ dâm lành tính là một lý thuyết được tạo ra bởi Paul Rozin, nhà tâm lý học thuộc Đại học Pennsylvania. Ông nhận ra người ta hứng thú với việc trải nghiệm cảm giác đáng sợ và khó khăn trong một môi trường an toàn, khi mà họ không thực sự phải trải qua chuyện gì hết.

Giống như tàu lượn siêu tốc, phim kinh dị, thì ở đây chúng ta có một bánh hamburger phô mai 9kg. Lượng adrenalin tăng lên khiến người ta có cảm giác bị đe dọa đến cuộc sống.

mukbang,  youtube,  kho dam lanh tinh,  thich xem nguoi khac an,  thu thach an anh 1

Yang Soobin - gương mặt quen thuộc với những người thích xem mukbang Hàn. Ảnh: Bilibili

“Về cơ bản giống như bạn tự làm hại bản thân một chút, nhưng không theo cách nguy hiểm”, Josh Rottman, một giáo sư về tâm lý học phát triển ở Cao đẳng Franklin và Marshall cho biết. Ông này nghiên cứu về vai trò của sự kinh tởm trong quá trình phát triển của trẻ em. “Khổ dâm lành tính dường như là một niềm vui phổ biến. Nó khiến ta có cảm giác như mình tự đưa bản thân vào nguy hiểm. Nhưng chúng ta làm theo cách an toàn”.

Ngoài “niềm vui” của khổ dâm lành tính, việc các video kinh khủng lại thu hút người xem được lý giải bằng sự phát triển của trẻ em.

“Ý nghĩ của tôi về những gì diễn ra trong Hot Ones và tất cả những người đang xem người khác ăn là việc chọn lựa thực phẩm thật sự là vấn đề khó khăn đối với con người”, Rotttman nói.

Ông giải thích rằng việc quyết định cái gì nên hay không nên ăn là một phần của thử thách trưởng thành, đặc biệt đối với trẻ em, nhưng cũng đối với xuyên suốt cuộc đời chúng ta. Nguyên cứu về điều có thể giữ sự chú ý của trẻ cho thấy, những “thứ liên quan đến khả năng sinh tồn” mang lại cảm giác thú vị khi cứ nhìn vào chúng.

Chúng ta có thể không nhận ra điều này khi xem các video trên YouTube, nhưng thực sự chúng ta đang xem người khác thử thách giới hạn những thứ có hay không thể hại họ. Điều này mang lại giá trị phát triển và hình thành mô phỏng trong não chúng ta. Sự thúc đẩy như một đứa trẻ về cái gì an toàn cái gì không hình thành sự mê hoặc dẫn người lớn chúng ta đến thói quen xem các video YouTube.

“Điều này có thể chỉ là nhất thời và không thật sự dạy ta điều gì, nhưng về lâu dài thì khác”, Rottman giải thích.

Người tổ chức sự kiện, nhân viên truyền hình, nhà sản xuất chương trình và những cá nhân sáng tạo nội dung đã dựa trên sự thu hút về sinh học và niềm vui từ khổ dâm lành tính, dù họ có thực sự nhận ra điều đó hay không.

Không có gì tốt đẹp để xem ở đó, nhưng đã bao nhiêu lần bạn chạy chậm lại chỉ bởi một tai nạn trên đường?

Bridget Rubenking, Giáo sư Tâm lý học Truyền thông thuộc Đại học Central Florida so sánh các nội dung này với việc quay đầu nhìn các tai nạn

“Sự kinh khủng thu hút sự chú ý, dẫn dụ chúng ta vào. Rồi khi trình chiếu trên màn hình thay vì ngoài đời thực, chúng ta đang ở nơi an toàn để học cũng như tận hưởng nó”, Rubenking nói. “Các nhà sáng tạo nội dung đã dựa vào điều này và tạo hiệu ứng khá tốt”.

Những nhà sáng tạo khai thác nội dung này đang ngày càng cạnh tranh nhau. Điều này dẫn đến việc các chương trình và video có số tiền thưởng cao hơn và những thử thách ngày càng kỳ cục hơn.

“Không có gì bất ngờ khi mọi thứ đang lặp lại. Phần lớn các nội dung tăng dần mức độ theo thời gian khiến chúng ta trở nên quen với nó. Vậy nên cần nhiều nội dung kinh khủng hơn nữa để có thể giữ phản ứng của người hâm mộ”.

Thay đổi để mang tính giáo dục cao hơn

Khó mà ủng hộ việc các nhà sáng tạo chỉ làm một việc duy nhất là tiêu thụ dù đã hiểu nguyên nhân nội dung này thu hút. Lượng thực phẩm được tạo ra và tiêu thụ vì lượt xem trên YouTube được xem như là hoang phí nhất. Điều này cũng có thể dẫn đến khả năng người ta bóc lột và gây nguy hiểm cho chính bản thân họ chỉ để kiếm tiền.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà sáng tạo đang tính toán để khai thác sức mạnh tiềm ẩn của thực phẩm, đồng thời vẫn thể hiện tình yêu của họ đối với đồ ăn và mong muốn cung cấp một giá trị gì đó cho người xem của họ.

Đây có thể là cách để người ta quan tâm đến thực phẩm theo phương diện sâu sắc hơn

Josh Scherer

“Nó không phải là kiểu tốt nhất và tôi có thể thấy sự phản logic đâu đó, nhưng tôi biết là tôi, cũng như mọi người, có khoảng chú ý ngày càng thấp. Bạn phải vượt lên trên nó và nắm bắt mọi người nhanh hơn trước”, Scherer nói.

Sự nổi tiếng của Hot Ones không đơn giản chỉ từ thử thách ăn cánh gà cay. Đó còn là nơi người nổi tiếng ăn thức ăn cay, cho bạn cơ hội thấy những người tưởng như “không chạm tới được” ở trong vị thế khổ sở. Điều này hóa ra lại vui và đã tạo ra rất nhiều giá trị cho việc quảng bá ở Hollywood. Hot Ones vì thế gần như trở thành một phần trong chiến dịch truyền thông của các ngôi sao.

Food Fear cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, Scherer cố gắng đưa vào những thực phẩm mà người phương Tây cho là kinh khủng. Sự khác biệt về bối cảnh và văn hóa tạo nên điểm nhấn.

“Tôi nhận ra có rất nhiều thực phẩm người khác cho là kinh khủng nhưng tôi lại thích chúng”, Scherer nói. “Gan, thận, não, những thứ kiểu vậy. Ý tưởng bắt đầu bằng việc tôi nói với ai đó rằng tôi sẽ nấu cho bạn một bữa ăn ngon từ những gì bạn cho là không thể ăn”.

Ý tưởng của Scherer có một số ý nghĩa sinh học thú vị. Ngoài giá trị “sinh tồn” sẵn có, nó còn hàm chứa các yếu tố xã hội. Rottman giải thích rằng việc có các phản ứng thái quá với đồ ăn có thể là cách mà các nhóm tách biệt với nhau.

“Cách chúng ta cảm thấy kinh khủng về đồ ăn sẽ khiến chúng ta thuộc về nhóm nào đó. Phản ứng này lại không thể làm giả được”, Rottman nói.

mukbang,  youtube,  kho dam lanh tinh,  thich xem nguoi khac an,  thu thach an anh 2

Pizza pesto với topping là pín bò trên Food Fear. Ảnh: YouTube

Công việc này cũng dẫn đến một số kết quả thú vị. Trong một tập không quá nổi tiếng, Scherer đã nấu rất nhiều pín bò (bộ phận sinh dục của bò) và cho vào pizza pesto. Sếp của Scherer Link Neal, một nhà sáng tạo YouTube, đồng thời cũng là người thử “đồ ăn kinh khủng”, gọi nó là món pizza dở nhất ông từng ăn. Điều này rõ ràng khiến chúng ta càng thích mozzarella.

Tuy vậy, Scherer vẫn khuyến khích các khách mời của ông hãy thử thức ăn với một tâm thế mở và thoải mái khi họ ăn.

“Tôi nghĩ đó chính là vẻ đẹp của thực phẩm. Nó là một thứ chứa đựng tình cảm và dễ tổn thương trước con người, và cả vũ trụ”, Scherer nói

Trong một tập gần đây của Food Fears, Terry Crews đã thử thách khả năng chịu đựng của anh một lần nữa. Anh đã bịt miệng khi ăn tinh hoàn gà tây. Nhưng khi Scherer nấu chúng với một loại mì ý và phô mai mà Crews thích, Crews lại gật gù nói “ngon đấy”

Tinh hoàn gà tây hóa ra đã từng là một món ăn ngon ở Mỹ, cho tới khi cách sản xuất thực phẩm hiện nay thay thế khái niệm ăn mọi bộ phận của động vật. Việc thử món mì ý phô mai với tinh hoàn gà tây là một cảnh tượng kinh hoàng, nhưng nó cũng hàm chứa một bài học. Việc bỏ đi các phần của động vật vì chúng ta không quen thuộc với chúng là một sự phí phạm với chim, với hành tinh này và cả bao tử của bạn.

Khi nói về sự thay đổi quan điểm về ruột heo của mình, Crews nói: “ Có ngày thứ này tệ, có ngày thứ nọ tốt. Giờ tôi sẵn sàng cho mọi thứ”.

Thanh Thùy

Mashable

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm