Theo các nhà khoa học, cháy rừng ở châu Âu có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, trừ khi các biện pháp đối phó được thực hiện.
Hạn hán và các đợt nắng nóng ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn trong bối cảnh Trái Đất nóng lên, khiến một tia lửa nhỏ cũng có thể tạo ra một hỏa ngục.
Ngăn chặn cháy rừng ở châu Âu chưa bao giờ khó đến thế, theo AP.
Nguyên nhân cháy rừng ở châu Âu là gì?
Cuộc di cư ồ ạt từ nông thôn lên thành thị ở lục địa này từ nửa sau thế kỷ XX đã khiến những khu vực nông thôn bị bỏ quên và dễ bị tổn thương.
Johann Goldammer, người đứng đầu Trung tâm Giám sát Hỏa hoạn Toàn cầu, một cơ quan cố vấn của Liên Hợp Quốc, cho biết các khu vực rừng ngập tràn vật liệu dễ cháy, gồm thân cây chết, cành cây gãy và khô, lá chết và cỏ khô.
Một người dân địa phương cố dập lửa trong trận cháy rừng ở Tabara, tây bắc Tây Ban Nha, ngày 19/7. Ảnh: AP. |
“Đây là lý do chúng ta đối mặt nguy cơ cháy rừng chưa từng có, vì chưa bao giờ trong lịch sử - như trong 1.000 hoặc 2.000 năm qua - lại có nhiều vật liệu dễ cháy xung quanh như vậy”, ông nói.
Chỉ cần một ngọn lửa nhỏ bất cẩn cũng đủ làm bùng phát một đám cháy rừng.
Tại Bồ Đào Nha, nơi hơn 100 người chết trong các vụ cháy rừng vào năm 2017, các nhà chức trách cho biết 62% các đám cháy bắt nguồn từ hoạt động nông nghiệp như đốt rơm rạ.
Nóng lên toàn cầu có phải một yếu tố không?
Biến đổi khí hậu đã góp phần thêm vào các đám cháy rừng và khiến chúng trở nên đáng sợ hơn.
Điều đó đặc biệt đúng ở Nam Âu, nơi ngày càng xuất hiện nhiều điều kiện thời tiết thích hợp cho hỏa hoạn, với nhiệt độ cao, hạn hán và gió lớn, khiến cháy rừng mùa hè trở thành “bình thường mới”, Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Hoàng gia London, cho biết.
Cứu hỏa bằng trực thăng ở Alhaurin de la Torre, Malaga, Tây Ban Nha, ngày 16/7. Ảnh: AP. |
Tháng này, Liên minh châu Âu lưu ý rằng trong 5 năm qua, lục địa đã chứng kiến những trận cháy rừng dữ dội nhất từng được ghi nhận, và rằng đợt hạn hán hiện tại của lục địa có thể trở nên tồi tệ nhất từ trước đến nay. Khu vực Địa Trung Hải đang ấm lên nhanh hơn 20% so với mức trung bình toàn cầu, theo Liên Hợp Quốc.
Số lượng vùng nông thôn châu Âu bị đốt cháy đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm nay, với gần 450.000 hecta rừng bị đốt cháy tính đến ngày 16/7, theo số liệu thống kê của Liên minh châu Âu. Trong khi đó, mức trung bình của giai đoạn 2006-2021 là 110.000 hecta trong cùng những tháng đó.
Cũng tính đến ngày 16/7, châu Âu đã chứng kiến gần 1.900 vụ cháy rừng, so với mức trung bình 470 vụ trong giai đoạn 2006-2021.
Cháy rừng hiện nay có khác gì so với trước đây?
Hạn hán và các đợt nắng nóng gắn liền với biến đổi khí hậu đã làm cho cháy rừng trở nên khó dập hơn, vì điều kiện khiến chúng dễ dàng lây lan nhanh chóng. Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục làm cho thời tiết khắc nghiệt hơn, khiến cháy rừng thường xuyên hơn và có sức tàn phá lớn hơn, bao gồm các đám cháy lớn đến mức chúng gần như không thể dập tắt.
Quang cảnh sau trận cháy rừng gần thị trấn El Pont de Vilomara, Tây Ban Nha, ngày 19/7. Ảnh: AP. |
Cháy rừng ở Tây Ban Nha năm nay bắt đầu xuất hiện từ mùa xuân, tác động bởi đợt nắng nóng sớm nhất của nước này trong 2 thập kỷ. Nhiệt độ tăng trên 40 độ C ở nhiều thành phố, mức thường chỉ thấy vào thời điểm nóng nhất của mùa hè.
Nước láng giềng Bồ Đào Nha cũng chứng kiến tháng 5 nóng nhất trong 9 thập kỷ, khi 97% diện tích đất được xếp vào diện hạn hán nghiêm trọng. Ở Pháp, người ta chứng kiến tháng 5 nóng nhất từng được ghi nhận.
Bà Otto của Đại học Hoàng gia London nói: “Chúng ta sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn cháy rừng. Chúng ta phải học cách sống chung với điều này”.
Làm sao để sống chung với ngày càng nhiều cháy rừng?
Những điều chúng ta có thể làm để thích ứng bao gồm chấm dứt việc đốt nhiên liệu hóa thạch và giáo dục mọi người về sự nóng lên toàn cầu, bà Otto nói.
Amila Meskin, cố vấn chính sách tại Hiệp hội Rừng Nhà nước của châu Âu có trụ sở tại Brussels, đại diện cho các công ty, doanh nghiệp và cơ quan lâm nghiệp của chính phủ tại 25 quốc gia châu Âu, cho biết việc quản lý rừng cũng cần được xem xét lại.
Cháy rừng gần thị trấn Megara, phía tây Athens, Hy Lạp, ngày 20/7. Ảnh: AP. |
Các dự án như kế hoạch trữ nước, trồng rừng hỗn hợp và phục hồi đất than bùn đã và đang diễn ra ở một số nơi.
Tuy nhiên, những dự án mới này khó có thể cho kết quả sớm. Quy hoạch ngắn hạn trong lĩnh vực lâm nghiệp có thể kéo dài hơn 50 năm, và sự thay đổi cơ bản sẽ mất nhiều thập kỷ.
Nhìn rộng hơn, bà Meskin nhận thấy sự thiếu quan tâm đến việc làm ở nông thôn và lưu ý rằng lâm nghiệp không phải là một ngành hút nhân lực. Những điều đó cần phải được đảo ngược, nhưng đó là một câu hỏi lớn.
Có thể cú sốc cháy rừng sẽ tạo ra mối quan tâm mới của cộng đồng đối với việc chăm sóc rừng, bà để ngỏ một khả năng.