Giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng triển khai mạng 2G sẽ hết hạn vào tháng 9/2024, theo Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Phong Nhã cho biết tại tọa đàm “Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số” ngày 5/12.
Do chu kỳ sử dụng của một thiết bị đầu cuối là khoảng 3 năm, kể từ năm 2020, Bộ TT&TT đã ra quy định cấm nhập khẩu máy 2G. Các máy 2G tại Việt Nam đang ở vào cuối của chu kỳ sử dụng, khi máy hỏng sẽ được người dùng thay thế. Việc mua bán, lưu thông máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ 2G, 3G là vi phạm quy định và bị các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn.
Hiện một số nhà mạng lớn đã tắt sóng 2G và 3G ở những khu vực ít có nhu cầu với các dịch vụ này. Các nhà mạng và nhiều nhà bán lẻ hiện kinh doanh các dòng điện thoại “cục gạch”, có bàn phím và chủ yếu dùng để nghe gọi hoặc nhắn tin, nhưng hỗ trợ 4G với giá vào khoảng 300.000 đồng để phục vụ nhóm khách hàng không có nhu cầu sử dụng smartphone.
Tắt sóng 2G tạo ra lợi ích cho người dùng, doanh nghiệp
“Chủ trương tắt sóng 2G nhằm thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đảm bảo người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ hành chính công trên môi trường hiện đại, với tốc độ cao. Chủ trương dừng 2G, tiến tới là dừng 3G sẽ diễn ra từ 2023-2026”, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết các nhà mạng ở Việt Nam đã thử nghiệm 5G từ năm 2019 và đến nay đã sẵn sàng triển khai. Trong khi đó, một nhà mạng không thể vận hành cùng lúc 2G, 3G, 4G, 5G do sẽ gây tốn kém cho việc khai thác, bảo dưỡng, vận hành. Trên cùng một cột anten, khó lắp đặt thiết bị của 4 công nghệ và cũng tạo ra mức tải trọng quá lớn.
Vận hành cùng lúc nhiều công nghệ làm tăng tải trọng cột anten, khó bảo dưỡng. Ảnh: Mobile Europe. |
“Viettel đánh giá đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế cũng như với mong muốn của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và nhu cầu của khách hàng”, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, cho biết.
Nhà mạng này cho biết vẫn còn khoảng 16% số thuê bao là 2G, cao so với các nước trong khu vực, và đặt mục tiêu đến tháng 9/2024 đưa số lượng thuê bao 2G trên mạng xuống dưới 5% để có thể tắt sóng. Các giải pháp bao gồm tăng phủ sóng 4G, bao gồm cả các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và hỗ trợ về dịch vụ, giá cước cho khách hàng.
“Hiện nay Viettel đã cùng các nhà cung cấp dịch vụ khác đưa giá dịch vụ 4G xuống rất thấp, tiệm cận và thậm chí là thấp hơn giá dịch vụ 2G. Giá này phù hợp với nhu cầu chi trả của các khách hàng”, ông Tính cho biết.
Đại diện VNPT cho biết số thuê bao chỉ 2G chiếm khoảng 8% tổng số thuê bao VNPT và sẽ tiếp tục kết hợp tặng máy, trợ giá, đi kèm gói cước hấp dẫn để giúp khách hàng chuyển đổi.
“Ở góc độ của MobiFone, về mặt công nghệ và xu hướng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương tắt sóng 2G, chuyển khách hàng sử dụng chỉ 2G sang 4G, 5G để tối ưu tần số, hạ tầng, triển khai thêm nhiều dịch vụ số”, ông Lê Mai Sơn, Phó Ban truyền thông MobiFone, cho biết.
Tuy nhiên, MobiFone là nhà mạng lâu đời, khách hàng 2G chiếm tỷ lệ nhiều, khoảng 3 triệu trên 20 triệu thuê bao, do đó cần có các giải pháp để cân bằng giữa quyền lợi khách hàng và tiến độ thực hiện tắt sóng, ông Sơn lưu ý. Nhà mạng này cho biết đã sóng 2G ở những khu vực có lưu lượng thấp, trước khi tắt đã có phương án đánh giá ảnh hưởng đến người dùng và nhắn tin, gọi điện hoặc liên hệ trực tiếp qua nhân viên địa bàn để tránh tình trạng người dùng bật máy lên mới biết không có mạng.
“Chúng tôi hỗ trợ đổi SIM 2G lên 4G miễn phí, và cũng hợp tác với các chuỗi bán lẻ và hãng điện thoại để cung cấp dòng máy 4G giá rẻ phù hợp với người dân. Khách hàng khi chuyển lên 4G cần có thời gian được thuyết phục, tạo thói quen sử dụng mới để người dùng hiểu tắt sóng 2G là quyền lợi của mình chứ không mất gì cả”, ông Sơn cho biết.
Theo thống kê của GSMA, cho đến cuối tháng 6/2023, trên thế giới có 149 nhà mạng đã và đang tắt sóng 2G, 63% ở châu Âu và hơn 20% ở châu Á. Nhiều quốc gia đã tắt sóng 2G từ lâu như Mỹ năm 2017 và năm 2020, Australia và Singapore tắt từ 2017.
“Lợi ích thiết thực nhất của việc tắt công nghệ cũ với nhà mạng là tiết kiệm chi phí vận hành. Thiết bị cũ thường tốn điện, chi phí sửa chữa, vật tư. Một phần quan trọng nữa là 2G và 3G đang sử dụng băng tần vàng 900MHz”, ông Nguyễn Duy Luân, Chuyên gia mạng không dây Huawei, cho biết.
So với băng tần 1800MHz của 4G, băng tần 900MHz có lợi thế vùng phủ rộng hơn nhiều. Ví dụ, cùng một khu vực, nếu dùng băng tần 1800MHz cần khoảng 1.000 trạm, nhưng nếu dùng băng tần 900MHz sẽ giảm được một nửa số trạm.
Bảo vệ quyền lợi khách hàng khi tắt sóng 2G
Dùng băng tần thấp sẽ tiết kiệm được chi phí, cùng một chất lượng mạng lưới nhưng chi phí cung cấp thấp hơn. Đây là một trong những yếu tố khiến cho việc tắt công nghệ cũ, chuyển dịch sang công nghệ mới như 4G, 5G, trở nên hấp dẫn.
Theo thống kê của Huawei, trong số các nhà mạng và quốc gia đã tắt 2G và 3G, khoảng 87% nhà mạng chọn lên 4G, trong đó khoảng 32% lên sóng chỉ 4G, còn lại chuyển đổi băng tần lên 4G, 5G. Một số chọn cả 3G, 4G và 5G.
Hiện nay có nhiều mẫu điện thoại "cục gạch" 4G, giá rẻ, dành cho người dùng không có nhu cầu dùng smartphone. Ảnh: TechCrunch. |
Khi thực hiện chuyển đổi, mỗi nhà mạng cần phải đánh giá tổng thể chuyển đổi sang công nghệ gì, lộ trình thực hiện như thế nào, cũng như khu vực nào chuyển đổi trước để tránh ảnh hưởng chất lượng và mất khách, theo chuyên gia từ Huawei.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành 400.000 máy để hỗ trợ người dùng ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các nhà mạng cũng đã thống kê người sử dụng 2G đến từng quận, huyện để xây dựng kế hoạch hỗ trợ người sử dụng điện thoại smartphone giá rẻ.
Trên thị trường hiện có nhiều dòng máy “cục gạch” nhưng hỗ trợ 4G do Nokia, Masstel phân phối và được nhập khẩu chính thức vào Việt Nam, giá những máy này khoảng 290.000 - 300.000 đồng.
Ngoài ra, khi chuyển sang công nghệ mới, sẽ có các hướng dẫn để đảm bảo an toàn người dùng, tránh các ứng dụng giả mạo, lừa đảo hoặc không an toàn, theo ông Nhã. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ xây dựng chương trình đào tạo, hướng dẫn người sử dụng chi tiết, để đảm bảo an toàn cho người dùng trong quá trình chuyển đổi và đa dạng hoá các dịch vụ trên điện thoại.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn