Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không không qua khỏi bàn tay Phật Tổ

Chỉ cần một cân đẩu vân là có thể vượt qua mười vạn tám nghìn dặm dễ dàng, thế mà Tề Thiên dù cố gắng đến đâu vẫn cứ phải quẩn quanh trong lòng bàn tay Phật Tổ.

Bàn tay trùm vạn dặm

Cuộc tỷ thí giữa Tề Thiên và Phật Tổ là cuộc tỷ thí không cân sức. Phật Tổ thách thức: “Ta đánh cuộc với nhà ngươi, nếu nhà ngươi có tài nhảy một cân đẩu vân ra khỏi được lòng bàn tay phải của ta, thì nhà ngươi thắng”.

Tề Thiên là trí, dù có thông minh sáng suốt đến đâu chăng nữa thì cũng vẫn còn trong chướng ngại của thế gian trí, trong hạn chế của phàm phu trí. Đó là lý do của nghịch lý Tây du: Chỉ cần một cân đẩu vân là có thể vượt qua mười vạn tám nghìn dặm dễ dàng, thế mà Tề Thiên dù cố gắng đến đâu vẫn cứ phải quẩn quanh trong lòng bàn tay Phật Tổ.

Phật là Pháp Vương (vua các pháp) nên bàn tay của Phật nắm trọn vạn pháp. Cân đẩu vân là cái trí phàm. Tề Thiên là một pháp trong vạn pháp thì sao lại có thể lọt ra khỏi bàn tay của Phật. Xét về lý, Tề Thiên chưa đấu thì đã thua rồi, nào phải đợi đến lúc so tài

Giai ma truyen Tay du anh 1

Cuộc tỷ thí giữa Tề Thiên và Phật Tổ là cuộc tỷ thí không cân sức.

Ngũ hành năm ngọn

Khi biết mình đã thua, toan xù vụ đánh cuộc, Tề Thiên “vội vàng tung người nhảy vút đi, nhưng bị ngay Phật Tổ lật bàn tay túm chặt lấy, mang ngay ra ngoài cửa Tây thiên, biến năm ngón tay thành năm quả núi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, gọi là núi Ngũ Hành, nhẹ nhàng đè chặt Đại Thánh xuống dưới”.

Bàn tay vốn có năm ngón dài ngắn không đều. Theo thuật đoán số mệnh qua bàn tay, người ta cho rằng trong bàn tay có đủ cả ngũ hành: ngón cái là Kim, ngón trỏ là Mộc, ngón út là Thủy, ngón giữa là Thổ. Còn ngón vô danh là Hỏa, và có lẽ vì thế mà khi cưới vợ lấy chồng, người ta đeo nhẫn vàng ở ngón vô danh (ngón áp út), với ngụ ý muốn lấy lửa (hỏa) để thử tuổi vàng, để coi hôn nhân có bền được cùng năm tháng hay không?

Mượn hình tượng bàn tay năm ngón tương ứng với ngũ hành để từ đó chuyển sang hình tượng ngọn núi Ngũ Hành nhốt Tề Thiên, quả là cả một tài tình của Ngô Thừa Ân. Núi Ngũ Hành là chi? Tề Thiên là chi?

Theo Phật Giáo, thân con người vốn do năm yếu tố cấu tạo thành, gọi là ngũ đại (đất, nước, gió, lửa, và hư không). Mỗi người đều có ngũ căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân). Mỗi căn đều có một ý thích riêng, do đó con người có ngũ tình (mắt thích xem cái đẹp, hấp dẫn, khêu gợi; tai thích nghe cái êm dịu du dương, thích nghe nịnh hơn là lời nói phải; mũi thích hít mùi thơm ngon; lưỡi thích nếm thích ăn những gì hợp khẩu vị; thân lại thích sự hưởng thụ sung sướng an nhàn…).

Do có ngũ căn mà con người có năm thứ ham muốn (ngũ dục); những thứ đó cứ đè chặt tâm linh, tinh thần con người, rất khó gỡ ra. Vì vậy con người dễ xuôi theo cái xấu cái ác mà khó vươn lên cái đẹp cái thiện.

Theo Nho Giáo và Lão Giáo, con người do sự phối hợp của âm dương, của năm yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ (ngũ hành) tạo nên. Thiên Lễ Vận trong sách Lễ Ký miêu tả thành phần cơ cấu con người như sau: Người là cái đức của trời đất, nơi gặp gỡ của âm dương, nơi tụ hội của thần minh, là tinh hoa tốt đẹp của ngũ hành hiệp lại”.

Vì vậy, có mối liên hệ giữa thân xác (ngũ tạng) và ngũ hành, ngũ đức, ngũ giới như sau:

Giai ma truyen Tay du anh 2

Đông y xây dựng lý thuyết căn cứ trên ngũ hành âm dương. Thuật luyện nội đơn (thiền) của Lão Giáo và Cao Đài vận dụng sự tương quan âm dương, ngũ hành với thân xác.

Núi Ngũ Hành là bàn tay hóa ra, mà bàn tay là một phần của thân xác; vậy, núi Ngũ Hành ám chỉ thân xác con người. Tề Thiên vốn dĩ thần thông mà chịu bị nhốt trong núi Ngũ Hành; Ngô Thừa Ân muốn nói xa nói gần rằng khi còn mang xác phàm thì chưa thể khai phóng cho phần thần diệu linh thiêng trong tự thân nội thể con người hiển lộ.

Do đó, Tề Thiên từ cõi người bay đi bay về cõi Phật như đi chợ, nhưng không thể cõng Đường Tăng bay vù một lèo tới chùa Lôi Âm cho tiện, và Đường Tăng cứ phải lẽo đẽo đi qua muôn dặm hồng trần.

Muốn đạt được thần thông, tự do khai phóng, muốn được ngang bằng Trời (Tề Thiên), bắt buộc phải cởi bỏ xong xác phàm. Cho nên trước khi vào đến Linh Sơn, tại bến Lăng Vân, lúc bước chân xuống thuyền bát nhã, Đường Tăng phải bỏ xác trôi sông, còn cái người đứng trên đò với Tiếp Dẫn Phật Tổ là một Đường Tăng khác, một bậc chơn nhơn đã siêu thoát.

Huệ Khải / Tri thức Trẻ Books - NXB Tôn giáo

SÁCH HAY