Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do các quốc gia vùng Vịnh không nhận người tị nạn

Trong khi châu Âu đang vật lộn với cuộc khủng hoảng di cư, nhiều quốc gia vùng Vịnh đối mặt với làn sóng chỉ trích do không nhận người tị nạn từ những nước láng giềng.

Người tị nạn chen chúc trên thuyền nhỏ để vượt biển Địa Trung Hải trên hành trình đến miền đất hứa. Ảnh: Getty Images

Hàng nghìn người tị nạn liều mạng sống chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria tới châu Âu để tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Thực tế này khiến châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Tuy nhiên, dòng người di cư  không hướng tới các quốc gia vùng Vịnh giàu như Kuwait, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Ông Nadim Houry, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Trung Đông và Bắc Phi, kêu gọi các quốc gia khác hành động nhiều hơn để giúp người tị nạn. Ông cho rằng, thực trạng các nước giàu không chấp nhận người di cư khiến nhiều người thất vọng.

Trước những lời chỉ trích, giới các quốc gia vùng Vịnh cho rằng việc tiếp nhận người nhập cư sẽ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Abdulkhaleq Abdulla, giáo sư về hưu của Đại học UAE nói với CNN rằng nhiều phần tử khủng bố có thể trà trộn vào dòng người nhập cư và gây bất ổn cho đất nước. 

Thay vì tiếp nhận người tị nạn, nhiều quốc gia như Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar, Oman và UAE bảo vệ đất nước khỏi làn sóng di cư bằng cách tài trợ hàng triệu USD để hỗ trợ người tị nạn.

UAE cho biết, họ đã gửi 530 triệu USD tới nước láng giềng để giúp người di cư, bao gồm xây một trại tị nạn và bệnh viện ở Jordan. Các quốc gia vùng Vịnh cũng cam kết chi tiền hỗ trợ. Mỹ chi nhiều nhất với hơn 547 triệu USD. Vào tháng 5, Salman bin Abdulaziz Al Saud, Quốc vương của Saudi Arabia, ban hành sắc lệnh thành lập một trung tâm nhân đạo tại Yemen.

4.000 tay súng IS đội lốt người tị nạn xâm nhập châu Âu

Báo chí Mỹ đưa tin tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lợi dụng cuộc khủng hoảng tị nạn để đưa 4.000 tay súng cực đoan vào châu Âu và chờ ngày thực hiện các vụ tấn công đẫm máu.

Bản đồ minh họa số người nhập cư tới các quốc gia ở Trung Đông. Ảnh: Twitter

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, những quốc gia có thu nhập đầu người cao như Nga, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc cũng không nhận người tị nạn. Về mặt pháp lý, họ không có nghĩa vụ phải giúp. Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain và các quốc gia vùng Vịnh đều không ký vào Công ước về người tị nạn năm 1951 của Liên Hiệp Quốc. Đây là một tài liệu pháp lý quan trọng, quy định về quyền lợi của người nhập cư và nghĩa vụ của các quốc gia mà họ xin tị nạn. Vì vậy, những người muốn nhập cư, bao gồm cả nạn nhân chiến tranh, phải đáp ứng tất cả tiêu chuẩn để xin thị thực như người bình thường.

Khoảng 360.000 người tị nạn vượt Địa Trung Hải đến châu Âu trong năm nay. Ít nhất 2.800 người đã chết trong hành trình tới miền đất hứa. Hình ảnh thi thể bé Aylan Kurdi từ Syria nằm trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ khiến dư luận thế giới bàng hoàng trước thảm kịch của người di cư.

Một số quốc gia châu Âu sẵn sàng đón người tị nạn. Đức nhận 800.000 người trong năm nay. Khoảng 2 triệu người tới Thổ Nhĩ Kỳ và 1,1 triệu người đến Lebanon. Iraq, nơi bạo lực thường xuyên xảy ra, cũng đón gần 250.000 người di cư.

Hiểm họa rình rập hành trình đổi phận của người di cư

Người di cư không chỉ mất rất nhiều tiền, mà còn phải đánh cược mạng sống trong những hành trình gian truân tới miền đất hứa châu Âu.

Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm