Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiểm họa rình rập hành trình đổi phận của người di cư

Người di cư không chỉ mất rất nhiều tiền, mà còn phải đánh cược mạng sống trong những hành trình gian truân tới miền đất hứa châu Âu.

Người di cư ngồi như nêm trên một bè vượt biển để tới châu Âu. Ảnh: Getty

Bán mạng cho giấc mơ miền đất hứa

Mùa hè này, khoảng 250.000 người đã vượt qua Địa Trung Hải bằng thuyền nhỏ và bè. Phương tiện phổ biến nhất là tàu đánh cá. Vì bọn buôn người luôn nhồi nhét người di cư lên tàu đánh cá nên Liên Hợp Quốc (LHQ) gọi chúng là quan tài nổi. Những con tàu hướng tới châu Âu cùng kỳ vọng vào cuộc sống tốt hơn của những người trốn chạy bạo lực và đói nghèo nơi quê nhà.

Đa số người di cư tới từ Syria, Eritrea, Nigeria, Ethiopia, Gambia, Somalia, Bangladesh và nhiều quốc gia khác. Những chuyến tàu thường khởi hành trong đêm tối. Một số gia đình mua phao để mặc cho con cái phòng trường hợp bất trắc. Những người khác trả nhiều tiền hơn để ngồi ở mũi tàu, nơi có cơ hội sống sót cao hơn so với đám đông chen chúc ở phía dưới nếu tàu đắm.

Đối với những người không đủ tiền để bước lên những thuyền đánh cá, họ sử dụng bè cao su tự chế để vượt biển. Sự tồi tàn có thể khiến chúng vỡ vụn sau khi rời bờ khoảng vài km. Dù biết trước hiểm nguy nhưng đoàn người di cư vẫn chấp nhận đánh cược mạng sống vì không tồn tại phương thức an toàn giúp họ có thể vào châu Âu.

Tàu là phương tiện phổ biến nhất, nhưng cũng là phương pháp tuyệt vọng nhất để tới châu Âu. Hoảng sợ khi nước tràn vào thuyền, người di cư vội vã dồn về một phía để cầu cứu khi thấy tàu khác. Tuy nhiên, hành động của họ khiến thuyền mất thăng bằng và lật, giết những người bị nhồi nhét ở khoang dưới và những người không biết bơi. Tiếng la hét kêu cứu vang lên hàng ngày trên Địa Trung Hải.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ vớt thi thể bé Aylan Kurdi trên bờ biển. Ảnh: AP

Gia đình bé Aylan Kurdi từ Syria là một trong những ví dụ điển hình của sự tuyệt vọng. Dù trả tiền hai lần cho những kẻ chuyên chở nhưng họ vẫn chưa thể tới được đảo Kos, Hy Lạp từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi chờ đợi trong thời gian dài, họ quyết định đóng bè để vượt biển cùng các gia đình khác. Tuy nhiên, bè nát vụn khi ra khơi khiến 12/17 người trên bè thiệt mạng, bao gồm 8 trẻ em. Aylan và anh trai 5 tuổi là hai trong số những đứa trẻ xấu số.

Hình ảnh thi thể bé Aylan dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây chấn động cả thế giới. Cơ thể không còn sức sống của em có sức mạnh hơn ngàn lời nói, giúp cả thế giới có cái nhìn chân thực nhất về tình cảnh khốn cùng mà những người di cư phải đối mặt trên hành trình chạy trốn bạo lực và nghèo đói.

Trên thực tế, mọi quốc gia trong khu vực đều không thể ngăn chặn người di cư. Liên minh châu Âu (EU) có thể sử dụng nguồn lực của họ để đưa người di cư tới nơi cần họ nhưng họ không thực hiện. Khi những cái chết thảm khốc của đoàn người di cư gây ra sự phẫn nộ trên khắp thế giới hay sự giận dữ của những người di cư trên “miền đất hứa”, các chính sách của châu Âu mới bắt đầu thay đổi.

Châu Âu không thể ngăn dòng người rời bỏ quê hương tìm cuộc sống tốt hơn. Vì thế, họ phải đối phó với tình hình. Lập luận cho rằng những người di cư chết đuối có thể ngăn dòng người đổ vào châu Âu là hoàn toàn sai. Bất chấp những sự cố chết người hàng ngày, đoàn người tuyệt vọng vẫn tìm mọi cách vượt biển vì họ không có lựa chọn nào khác.

Tia hy vọng yếu ớt

Lực lượng cứu hộ tiếp cận một chiếc tàu chở người di cư trên biển. Ảnh: Eyevine

Hiện tại, Hải quân Italy, Ireland, Thụy Điển và Anh cùng các tổ chức phi lợi nhuận tuần tra trên biển thường xuyên để cứu những con tàu chở người di cư gặp nạn. Máy bay không người lái cũng tuần tra để phát hiện sự cố trên biển kịp thời. Tuy nhiên, hơn 3.000 người di cư đã chết khi cố vượt biển trong năm 2015.

Người di cư tạo áp lực cho khoảng 80% lãnh thổ phía nam châu Âu và 40% lãnh thổ phía bắc châu Âu. Tuy nhiên, họ có khả năng tạo ra nguồn lực lớn nếu các quốc gia tận dụng tốt khả năng của họ, bao gồm cả việc phục hồi kinh tế ở các nước dân số đang già hóa.

Hiện tại châu Âu vẫn chưa tận dụng tiềm năng của người nhập cư. Trong khi đó, những người tìm cuộc sống mới vẫn gặp nguy hiểm dù đã đặt chân lên “miền đất hứa”. Hai tuần trước, nhà chức trách Áo phát hiện 71 thi thể chết ngạt bên trong một xe tải đông lạnh. Họ là nạn nhân của những kẻ buôn người đang hoành hành ở châu Âu nhờ cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Trên phương diện cá nhân, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon kêu gọi “lòng từ bi và nhân tính”. Thủ tướng Đức Angela Merkel bảo vệ người di cư qua tuyên bố: “Tự do di cư là một trong những nguyên tắc cơ bản của châu Âu”, trong khi Thủ tướng Pháp Manuel Valls khẳng định: “Trách nhiệm của tất cả chúng ta là đảm bảo quyền tị nạn được coi trọng ở khắp mọi nơi. Người ta không thể ngăn cản nó bằng dây thép gai”.

Mô phỏng cảnh thuyền chở bé trai tị nạn Syria lật Sóng lớn khiến con thuyền chở gia đình bé Aylan Kurdi cùng nhiều người tị nạn Syria gặp nạn ở vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm