Người tị nạn Trung Đông xuống bến cảng Piraeus ở Hy Lạp. Ảnh: Reuters |
Theo AFP, các quan chức châu Âu ước tính ngành công nghiệp đưa người tị nạn vào châu Âu hiện có quy mô lên đến hàng tỷ USD.
"Khoảng 30.000 nghi can buôn người hoạt động khắp châu Âu. Ưu tiên hàng đầu đối với Cảnh sát châu Âu (Europol) và các nước thành viên là truy bắt chúng", ông Robert Crepinko, lãnh đạo đơn vị chống tội phạm có tổ chức của Europol, cho biết. EU đã triển khai lực lượng hải quân truy lùng các tay buôn người trên Địa Trung Hải từ tháng 7.
Europol sẽ sớm mở trung tâm ở Piraeus (Hy Lạp) để chống buôn người từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ước tính 3.000 tên tội phạm tham gia hoạt động đưa người tị nạn vượt Địa Trung Hải, phần còn lại tổ chức đưa người qua các nước Balkan như Hungary để vào Tây Âu. Cơ quan Kiểm soát biên giới EU (Frontex) đánh giá ngành công nghiệp buôn người hiện kiếm lợi hơn buôn vũ khí và ma túy.
Các chuyên gia Europol cho biết các nhóm buôn người sử dụng mạng xã hội như Facebook để quảng bá dịch vụ, ngã giá, sắp xếp thời gian và tuyến đường. Theo ông Crepinko, việc điều tra gặp nhiều khó khăn do bọn buôn người thuộc nhiều quốc tịch và tôn giáo khác nhau, hoạt động theo các nhóm linh hoạt, chỉ hợp tác khi có thương vụ béo bở.
Ví dụ, một nhóm 16 tên tội phạm vừa bị triệt phá ở Hy Lạp gồm người Romania, Ai Cập, Pakistan, Syria, Ấn Độ, Philippines và Iraq. Chúng đưa người Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp bằng đường biển, bộ và không.
Chúng cung cấp giấy tờ giả cho người tị nạn và chỉ sau vài tháng hoạt động đã kiếm được tới 7,5 triệu euro (8,4 triệu USD). Libya có các băng đảng chuyên đưa người tị nạn vượt Địa Trung Hải bằng tàu cá hoặc xuồng nhỏ. Những chiếc tàu, xuồng này đều rất nhỏ, thiếu an toàn, luôn phải chở quá tải.
Theo Reuters, hôm 6/9, Thủ tướng Áo Werner Faymann kêu gọi EU họp thượng đỉnh khẩn cấp để bàn giải pháp xử lý khủng hoảng tị nạn. Cuối tuần qua hơn 8.000 người tị nạn đã được chào đón ở Đức.