Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do bụng béo lên thì sẽ rất khó nhỏ lại được

Mỡ có kết cấu khó đốt cháy và một khi nó đã tích tụ lại trong bụng thì sẽ rất khó biến mất.

Khi mỡ tích tụ lại trong bụng thì sẽ rất khó biến mất. Nguồn: amoon.

Lượng đường khi một người khỏe mạnh hấp thu quá nhiều được tích trữ dưới dạng glycogen hay chất béo trung tính là cơ chế bình thường để chuẩn bị cho những lúc cơ thể chịu đói.

Nhờ đó mà dù không thể ăn vì một vài lý do nào đó, thì con người chúng ta vẫn có thể sống được gần một tháng mà chỉ cần uống nước.

Khi không có đồ ăn, lượng glucose trong máu thiếu hụt, trước tiên glycogen được tích trữ trong gan hay các tế bào cơ sẽ được chuyển hóa lại thành glucose, trở thành năng lượng cho cơ thể. Khi lượng glycogen tích trữ dùng hết, đến lượt chất béo tích trữ trong các tế bào mỡ được dùng như một nguồn năng lượng, một phần trong đó được chuyển hóa lại thành glucose.

Nói ngược lại thì việc các chất béo trung tính trong tế bào mỡ được chuyển hóa thành năng lượng đã bị hoãn lại, nên mỡ trong bụng một khi đã tích tụ lại thì sẽ rất khó biến mất.

Thực tế, chất béo có hiệu suất năng lượng tốt hơn nhiều so với đường.

Các bạn hãy quan sát bảng 2-2 biểu thị lượng năng lượng tích trữ trong cơ thể nam giới khỏe mạnh bình thường với thể trọng 70 kg dưới đây.

Lượng glycogen tích trữ trong gan là 70 g và tạo thành 290 kcal năng lượng. Trong khi đó, 15 000 g chất béo trung tính tích trữ trong các tế bào sẽ tạo ra 135 000 kcal năng lượng.

Những ai nhanh nhạy với các con số có lẽ sẽ hiểu ngay được vấn đề, với cùng một gram nhưng glycogen chỉ giải phóng được 4 kcal năng lượng, trong khi nếu là chất béo lại có thể giải phóng tới 9 kcal năng lượng. Với hiệu quả như vậy, chất béo sẽ thích hợp cho tích trữ hơn và cơ thể cũng luôn có xu hướng tích tụ nó một cách triệt để.

An thong minh anh 1

Để giảm cân cần chú trọng vào ăn uống chứ không phải vận động

Có rất nhiều người đều đang “chạy bộ để giảm cân”. Tôi nghĩ chỉ với những vất vả trong công việc mỗi ngày thôi có lẽ cũng đủ khiến họ mệt mỏi rồi. Thế nhưng, nếu bạn thực sự nghĩ về chuyện giảm cân, thay vì tập trung vào vận động, bạn nên thay đổi chế độ ăn uống của chính mình. Bạn có thể biết ngay số cân nặng mình giảm được bằng cách vận động, nhưng không thể nói là nó có nhiều hiệu quả.

Bản thân tôi có thể hiểu được lý do khiến nhiều người cho tới giờ vẫn nghĩ “muốn giảm cân bằng vận động thay vì bằng ăn uống”. Đó là bởi hầu hết mọi người đều không chiến thắng được cơn thèm ăn của mình.

Đặc biệt, rất nhiều nam giới cho rằng “nếu phải làm khổ cái bụng thì thà chịu những bài vận động nặng còn hơn”.

Tuy nhiên, có những người rơi vào lối suy nghĩ như vậy là bởi họ hoàn toàn không có kiến thức đúng đắn về vấn đề này.

Như đã từng nói qua trong chương 1, việc hạn chế calo khi ăn kiêng là vô dụng. Trong khi đó, nếu hạn chế đường bạn không cần phải chịu đựng những cơn đói.

Tuy nhiên, có một vài trường hợp các huấn luyện viên ở phòng gym sẽ tiêm nhiễm cho bạn suy nghĩ “nếu chỉ giảm cân nhờ chế độ ăn mà không vận động sẽ làm mất cơ bắp”.

“Vận động giúp tạo cơ bắp” đúng là sự thực. Thế nhưng, “giảm cân bằng cách hạn chế ăn uống làm mất cơ bắp” lại là nói dối.

Như tôi từng giải thích ở trên, nếu bạn hạn chế đường bằng các chế độ ăn uống, trước tiên glycogen tích trữ trong cơ thể sẽ được sử dụng, tiếp đến là các lớp mỡ được đốt cháy. Khi các lớp mỡ đó (chất béo trung tính tích trữ trong các tế bào mỡ trong cơ thể) bị đốt cháy hết, đó là lúc cơ thể chúng ta bắt đầu lấy năng lượng từ các protein trong cơ. Hay nói cách khác là khiến bản thân mất dần các khối cơ.

Chuyện này chỉ xảy ra trong các trường hợp như không được ăn gì trong thời gian dài khi gặp nạn trên núi. Và với một người đàn ông bình thường nặng 70 kg, trong cơ thể có tích trữ nguồn năng lượng chất béo đủ dùng cho hơn 1 tháng (Tham khảo bảng 2-2). Ít nhất tôi không nghĩ ra được có người đàn ông trung niên có bụng nào lại có thể kiên định với việc hạn chế trong chế độ ăn đến mức phải sử dụng tới năng lượng tích trữ trong cơ bắp cả.

Tất nhiên, lý luận của những người nỗ lực luyện cơ bắp rằng “nếu tăng cường tốc độ trao đổi chất cơ bản nhờ việc tăng cơ bắp cũng dẫn đến kết quả giảm cân” là không sai.

Thế nhưng, để có thể tăng cường tốc độ trao đổi chất cơ bản đến mức giảm được cân, thì bản thân chúng ta cũng cần một lượng tập luyện đáng kể. Ngoài ra, nếu không thể đảm bảo đủ thời gian tập luyện, bạn sẽ nhanh chóng mất các khối cơ và trở lại trạng thái ban đầu. Đây mới chính là vấn đề.

Liệu bạn có thể liên tục thực hiện các bài tập khắc nghiệt cho dù bản thân không phải là vận động viên chuyên nghiệp hay không? Cho dù hơn 70 tuổi bạn vẫn có thể duy trì được tập luyện như vậy sao? Bạn có nghĩ rằng những người nổi tiếng “từng là người béo phì nhưng lại thu gọn được vóc dáng một cách đáng kinh ngạc nhờ các bài vận động nặng” hay xuất hiện trong quảng cáo trên tivi liệu có giữ được mãi vóc dáng đó hay không?

Việc nỗ lực luyện tập cơ bắp bởi suy nghĩ “muốn tạo một vóc dáng đẹp” không phải là điều gì xấu. Thế nhưng, đừng gắn kết chuyện này với việc giảm cân hay nâng cao sức khỏe. Đừng nhắm tới việc một công đôi việc nửa vời, trước tiên hãy ưu tiên việc tạo cho bản thân một chế độ ăn uống đúng đắn.

Một sức khỏe thực sự không thể có được chỉ với sự “nỗ lực trong một khoảng thời gian”. Nếu bạn là một người lý trí, có lẽ bạn sẽ hiểu thay vì nỗ lực duy trì cơ bắp bằng những bài tập khắc nghiệt trong thời gian dài, bạn nên tập trung vào việc hạn chế đường để mang lại cho bản thân nhiều lợi ích hơn.

Ngoài ra, nếu bạn muốn vận động, bạn có thể đi bộ hay lên xuống cầu thang khoảng 20 phút cũng rất tốt. Đặc biệt, sau khi hấp thu quá nhiều đường, bạn nên vận động. Nhờ đó, bạn có thể hạn chế sự gia tăng của chỉ số đường huyết và ngăn ngừa béo phì.

Makita Zenji / Quảng Văn Books - NXB Dân Trí

SÁCH HAY