Tính đến sáng 9/2, giá trị Bitcoin vượt qua mốc 47.000 USD/đồng, tăng 45% so với đầu năm. Những loại tiền mã hóa khác như Terra, Solana cũng có giá trị tăng mạnh.
Ngay cả Dogecoin, loại tiền có biểu tượng chó Shiba, đã tăng giá hơn 1.000%. Đến 7/2, đồng tiền này được giao dịch ở mức 0,08 USD/đồng. So với một tuần trước, giá của mỗi đồng Dogecoin đã tăng hơn 3 lần. Trong một ngày từ 6-7/2, giá trị Dogecoin tăng 53%.
Giá trị Bitcoin và các loại tiền mã hóa tăng vọt trong năm nay. Ảnh: Reuters. |
"Tiền mã hóa dễ mua hơn bao giờ hết"
Theo New York Times, làn sóng tăng giá diễn ra sau nhiều năm tiền mã hóa bị xem là loại hình đầu cơ mang nhiều rủi ro. Vào tháng 1, tổng giá trị các loại tiền mã hóa lần đầu vượt mốc 1.000 tỷ USD. Dù giá trị của chúng thường thay đổi đồng loạt, đợt tăng giá gần đây cho thấy quy mô không nhỏ của tiền mã hóa về giá trị, lượng người tham gia đầu tư và sự quan tâm của các công ty, nhân vật nổi tiếng.
CEO Tesla, Elon Musk được xem là yếu tố thúc đẩy giá trị tiền mã hóa. Ngày 8/2, vị tỷ phú gây chú ý khi tuyên bố Tesla đã mua 1,5 tỷ USD Bitcoin, chấp nhận thanh toán bằng loại tiền này. Sau tuyên bố của Musk, giá Bitcoin đã vượt qua 47.000 USD, phá kỷ lục hồi tháng 1.
Trước khi được Elon Musk nhắc đến, Bitcoin đã trải qua năm 2020 nhiều biến động. Trong thời gian đó, hãng thanh toán PayPal giới thiệu tính năng lưu trữ, giao dịch tiền mã hóa. Giám đốc các quỹ đầu cơ như Paul Tudor Jones, Stanley Druckenmiller cũng nhận định tiềm năng phát triển của Bitcoin, tuyên bố đây là loại tài sản giống như vàng.
“Đó là sự thay đổi về quan điểm. Từ việc bị chế giễu, chúng ta đã chứng kiến người giàu nhất thế giới nói về nó (Bitcoin-PV)”, Meltem Demirors, Giám đốc chiến lược công ty quản lý tài sản CoinShares nhận định.
Ngày 8/2, hãng xe Tesla của tỷ phú Elon Musk tuyên bố mua 1,5 tỷ USD Bitcoin. Ảnh: New York Times. |
Làn sóng tăng giá Bitcoin nhờ Elon Musk diễn ra sau phong trào thúc đẩy giá cổ phiếu GameStop trên Internet. Joshua Gans, Giáo sư nghiên cứu về đổi mới tại Trường Kinh doanh của Đại học Toronto, cho biết 2 làn sóng trên cho thấy một thế hệ nhà đầu tư mới, những người ở nhà trong thời gian dài để chống dịch, không có nhiều cơ hội tiêu tiền trừ các khoản đầu tư trên Internet.
Theo Gans, việc mua và giao dịch cổ phiếu, tiền mã hóa ngày càng đơn giản. Ngoài PayPal, ứng dụng tài chính Square và Robinhood cũng giới thiệu tính năng giao dịch cổ phiếu và tiền điện tử trong năm 2020.
“Trước đây, mọi người không dư tiền và thời gian để ‘học’ về giao dịch. Bây giờ, cổ phiếu và tiền mã hóa đang dễ mua hơn bao giờ hết”, Gans nhận định.
Bitcoin ngày càng được quan tâm
Bitcoin được tạo ra vào năm 2009 bởi người có tên Satoshi Nakamoto. Không giống vàng hay tiền mặt, tiền mã hóa có thể được giao dịch, mua bán và sở hữu trên Internet từ bất cứ đâu trên thế giới. Bitcoin được điều hành bởi mạng lưới máy tính phi tập trung theo dõi mọi giao dịch, không bị chính phủ hoặc công ty nào kiểm soát.
Lúc đầu, Bitcoin được xem là phương thức thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, việc phải thông qua hệ thống phi tập trung khiến giao dịch, thanh toán khá chậm.
Theo thời gian, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến Bitcoin bởi nó không chịu sự kiểm soát bởi chính phủ hay doanh nghiệp. Loại tiền này cũng là nguồn tài nguyên khan hiếm bởi hệ thống quản lý Bitcoin chỉ cho phép 21 triệu BTC được tạo ra.
CEO Twitter, Jack Dorsey cũng góp phần đẩy cao giá Bitcoin. Ảnh: Medium. |
Trong lịch sử, Bitcoin nhiều lần thách thức giới đầu tư với các đợt biến động giá. Năm 2017, đồng tiền này lần đầu đạt mốc hơn 19.000 USD nhưng nhanh chóng sụt giảm. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giá Bitcoin tăng vọt trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm.
Để đề phòng lạm phát, nhiều tổ chức lớn như Grayscale Assets và Square đã tăng cường đầu tư vào Bitcoin. Từ tháng 10/2020, Square cho biết đã mua số Bitcoin có trị giá 50 triệu USD. Một số công ty tại Phố Wall cũng tìm cách tăng lợi nhuận với Bitcoin. Ngân hàng Guggenheim Partners cho biết có thể đầu tư đến 5,3 tỷ USD vào Bitcoin Trust Fund (Quỹ Ủy thác Bitcoin).
Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu tư Bridgewater cho biết sẽ cân nhắc về Bitcoin. Jack Dorsey, CEO Twitter đã đầu tư 50 triệu USD vào loại tiền này, thậm chí chỉnh sửa mô tả tài khoản của ông thành #bitcoin.
Cũng trong năm 2020, CEO hãng phần mềm Microstrategies, Michael Saylor đã chuyển tiền mặt của công ty thành Bitcoin. Lượng tiền này tăng gấp 3 lần sau đó, theo Bitcointreasuries.org. Chia sẻ với New York Times, Saylor cho rằng giá trị các loại tiền truyền thống sẽ giảm theo thời gian, khiến Bitcoin ngày càng khan hiếm.
Elon Musk còn áp dụng chiến lược của Saylor, tuyên bố Tesla đã mua 1,5 tỷ USD Bitcoin để “tối đa hóa lợi nhuận từ tiền mặt”. Tháng trước, vị tỷ phú cũng theo chân Dorsey đổi hồ sơ Twitter thành #bitcoin, liên tục đăng bài liên quan đến tiền mã hóa.
Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets thậm chí nhận định Apple nên tham gia vào thị trường tiền mã hóa.
"Nhà sản xuất iPhone có thể tạo ra thị trường mới để tăng trưởng nếu họ phát triển ứng dụng Apple Wallet thành sàn giao dịch tiền mã hóa. Đây rõ ràng là cơ hội tỷ USD của Apple", chuyên gia phân tích Mitch Steves nhận định.
Dogecoin, tiền mã hóa có biểu tượng chó Shiba đã tăng giá hơn 1.000% trong năm nay. Ảnh: CNBC. |
Tiền mã hóa "chó Shiba" tăng giá hơn 1.000%
Không chỉ Bitcoin, Musk còn nhắc đến Dogecoin, loại tiền được tạo ra năm 2012 với mục đích giải trí. Tháng trước, vị tỷ phú đã đăng ảnh chế (meme) về Dogecoin. Ngày 7/2, ông lại đăng bài viết "Who let the Doge out", kết hợp giữa bài hát nổi tiếng và tên đồng tiền này.
Cũng trong 7/2, rapper Snoop Dogg đã đăng ảnh ghép “Snoop Doge” ám chỉ Dogecoin. Bên cạnh CEO Tesla, đồng tiền này còn được một diễn đàn trên Reddit có tên SatoshiStreetBets thúc đẩy. Nhóm người này đã liên tục kêu gọi nhiều nhà đầu tư ở Ấn Độ và châu Âu hỗ trợ đấy giá trị Dogecoin lên trong nhiều giờ.
Ethereum, tiền mã hóa có giá trị lớn thứ 2 sau Bitcoin, đã tạo ra ứng dụng cho các giao dịch kiểu mới. Trong khi Bitcoin chỉ hỗ trợ lưu trữ và giao dịch, Ethereum cho phép sử dụng mạng máy tính cho các nhiệm vụ tính toán, giao dịch phức tạp hơn. Ví dụ, ứng dụng Aave hỗ trợ vay tiền mã hóa, lãi suất được trả trực tiếp giữa các bên mà không bị công ty tài chính quản lý.
Theo DefiPulse, ứng dụng này đã có 5 triệu USD khoản vay chưa trả. Đến 8/2, giá trị Ethereum đạt 1.776 USD/đồng, tăng 134% so với đầu năm.
“Năm 2017, người ta chỉ đơn thuần mua những thứ được bán. Bây giờ, mọi người biết rõ họ mua gì và đặt ra những câu hỏi thông minh. Đó là sự khác biệt”, Demirors cho biết.