Theo CNN, Trung Quốc và Apple đã có mối quan hệ gắn bó trong 2 thập kỷ qua. Quốc gia đông dân nhất thế giới không chỉ là nơi tập trung rất nhiều nhà máy của Apple mà còn là một trong những thị trường lớn đóng góp cho doanh thu của hãng.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến một số nhà máy của Apple tại Trung Quốc phải đóng cửa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tháng 4 vừa qua, CEO Tim Cook cảnh báo tình hình này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý II/2022. Đúng như dự đoán, doanh thu của Apple trong quý II đạt 83 tỷ USD, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 36% cùng kỳ năm 2021 và 8% của quý I/2022.
Giám đốc điều hành Tim Cook - người đặt nền móng cho Apple tại Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Chuỗi cung ứng khổng lồ
Với tình hình dịch bệnh phức tạp tại Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng Apple sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn nữa.
Nhưng dù tình hình có tồi tệ đến đâu, các chuyên gia cho rằng gã khổng lồ công nghệ khó có thể rút khỏi Trung Quốc trong tương lai gần vì những ưu thế nhất định của nước này.
Giám đốc điều hành Tim Cook gia nhập Apple vào năm 1998. Chỉ sau đó vài năm, Apple bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên ở Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Tim Cook giữ vị trí giám đốc vận hành (COO) và đã xây dựng một chuỗi cung ứng khổng lồ của Apple tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Công nhân lắp ráp linh kiện điện tử tại nhà máy của Foxconn - một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple - tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Theo Wall Street Journal, Apple vẫn có phương án dự phòng với việc tăng cường sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ. Trong một cuộc họp gần đây, CEO Tim Cook đã nhấn mạnh rằng Apple đang tập trung mở rộng sản xuất ở các quốc gia khác.
Dù vậy, CNN nhận định không dễ để Apple từ bỏ Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mất nhiều năm phát triển công nghiệp, công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực trình độ cao và có cả một hệ sinh thái chuỗi cung ứng cho các thương hiệu như Apple. Điều này khó có thể tìm được ở những quốc gia khác.
Thị trường tiêu thụ lớn
Đối với Apple, điều này còn khó khăn hơn nữa khi Trung Quốc đang là thị trường lớn thứ 2 của họ chỉ sau Mỹ.
Theo ông Amber Liu - nhà phân tích tại Canalys, hiện Apple chiếm đến 18% thị phần smartphone của Trung Quốc. Ngược lại, quốc gia 1,4 tỷ dân cũng đóng góp ¼ doanh số toàn cầu cho hãng này. Nói cách khác, Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính của Apple.
"Apple có quá nhiều lý do để không thể rời bỏ Trung Quốc", Giám đốc công nghệ Gad Allon của University of Pennsylvania cho biết.
Thậm chí Apple gần đây đã giảm giá 600 nhân dân tệ, tương đương 89 USD, cho mẫu iPhone mới nhất trong thời gian có hạn vì lo ngại suy giảm nhu cầu ở Trung Quốc. Đây là một động thái hiếm hoi của hãng từ trước đến nay.
Apple từng chiếm tới 22% thị phần smartphone của Trung Quốc vào tháng 10/2021. Ảnh: Counterpoint. |
Các đợt phong tỏa không phải rủi ro duy nhất tại Trung Quốc. Căng thẳng Mỹ - Trung về Đài Loan leo thang trong vài tuần gần đây cũng là tin xấu với Apple. Tuy nhiên, Apple không còn nhiều lựa chọn. Điều này buộc hãng phải chấp nhận chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng cao và những rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng.
"Ở cấp độ của Apple thì khó có thể tìm kiếm một thị trường đầy đủ nguồn cung ứng hay nhân lực thay thế Trung Quốc", ông Allon đánh giá.
Bà Lisa Anderson - Giám đốc điều hành của LMA Consulting Group - cũng đồng ý rằng không chỉ riêng Apple mà rất nhiều hãng công nghệ đang muốn dịch chuyển khỏi quốc gia tỷ dân.
"Dẫu vậy, việc dịch chuyển khỏi một thị trường lớn như Trung Quốc là điều không dễ dàng bởi chúng tốn thời gian và cần nhiều vốn đầu tư", bà nhận định.