Thạnh Mỹ Lợi - khu trung tâm hành chính mới của TP Thủ Đức nằm sát bờ sông Sài Gòn và cách Khu đô thị mới Thủ Thiêm khoảng 5 phút lái xe. Ảnh: Chí Hùng. |
Ngày 9/12, kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 8 khóa X bước vào ngày làm việc cuối. Tại phiên trao đổi giám sát chuyên đề, đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM, nhận việc TP.HCM mạnh dạn đề xuất tạm ngưng thực hiện 17 dự án chậm tiến độ nhiều năm trên địa bàn là đúng đắn.
Tuy nhiên, vấn đề là trong số 17 dự án tạm ngưng có đến 11 dự án ở TP Thủ Đức với 5 dự án trường học, 6 dự án đường giao thông.
Trong số đó, những dự án đường giao thông huyết mạch như mở rộng Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh đều là các tuyến nối kết liên vùng, kết nối hệ thống vành đai 2, 3; đồng thời là dự án kết nối khu vực giao thông Bến xe Miền đông mới, Đại học Quốc gia.
"Thế nhưng các dự án đều giãn tiến độ rất đáng lo", đại biểu Cao Thanh Bình chia sẻ.
Phản hồi đại biểu, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết có nhiều lý do, quan trọng nhất là TP.HCM cần dồn nguồn lực cho một số dự án cấp bách.
Theo ông Hoàng Tùng, ngoài 11 dự án được điều chỉnh, TP Thủ Đức còn thực hiện các dự án khác. "Đa phần số dự án kể trên đều thuộc danh sách dự án chuyển tiếp, cái mới rất ít. Chúng tôi rất mong muốn tất cả dự án của TP Thủ Đức đều được ghi vốn. Tuy nhiên, việc bố trí vốn vẫn chưa đạt yêu cầu", ông Tùng lý giải.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho hay năm 2022, TP Thủ Đức được TP.HCM giao 2.900 tỷ đồng ngân sách, dự kiến 15/12 TP Thủ Đức giải ngân 95% với vốn sử dụng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.600 tỷ đồng. Trong năm 2023, địa phương được giao 2.900 tỷ đồng, trong đó 50% vốn dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng. Ảnh: Phương Thảo. |
"Việc đạt tỷ lệ giải ngân 95% trong năm 2022 là thách thức của TP Thủ Đức trong bối cảnh nguồn ngân sách TP.HCM phân bổ rất hạn chế", ông Tùng nói và cam kết sẽ nỗ lực đảm bảo tiến độ nhiệm vụ giải ngân năm 2023 cũng như chất lượng xây dựng, tiến độ bồi thường của dự án lớn như vành đai 3.
Mặt khác, đại biểu Cao Thanh Bình nhìn nhận kỳ vọng của người dân về TP Thủ Đức là rất lớn kể từ khi chính quyền được thành lập. Tuy nhiên, với khối lượng công việc đồ sộ, nhiều cán bộ, công viên chức chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Ông Bình Đề nghị TP Thủ Đức khẩn trương, tập trung kiến nghị Trung ương để có cơ chế, phân cấp mạnh mẽ hơn cho thành phố.
Đại biểu Cao Thanh Bình trao đổi tại phiên giám sát chuyên đề kỳ họp HĐND TP.HCM sáng 9/12. Ảnh: Phương Thảo. |
"Người dân đã phản ánh rất nhiều về sự chậm trễ trong giải quyết hồ sơ của TP Thủ Đức. Thậm chí, có trường hợp phản ánh người nộp sau lại được ký trước, chúng ta cần làm rõ", đại biểu Cao Thanh Bình nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nhận trách nhiệm và khẳng định sẽ chấn chỉnh việc chậm giải quyết thủ tục đất đai, hồ sơ cho người dân.
Ông Tùng cho biết quá trình thành lập chính quyền, việc dồn đầu mối công việc về TP Thủ Đức khiến địa phương xảy ra tình trạng ách tắc. Do vậy, TP Thủ Đức cũng áp dụng nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ dịch vụ công cấp độ 3-4 để thúc đẩy thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân.
"Trong năm 2023, các nội dung phản ánh sẽ được giải quyết dứt điểm", Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng khẳng định.
Những cuốn sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.
Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, mang nhiều câu chuyện xâu chuỗi về mảnh đất Sài Gòn ngày tháng cũ, giúp ta giải mã một số giá trị thuộc về và làm nên căn tính của một thành phố, tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.