Cao tốc TP.HCM - Long Thành. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin nguyên nhân thực hiện dự án vành đai 2 chậm, đồng thời cho biết khi nào dự án tiếp tục được triển khai và khép kín toàn tuyến là câu hỏi được đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM, chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM diễn ra vào ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 8, khóa X, chiều 8/12.
Phản hồi đại biểu và cử tri, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đang chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ khởi công các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và đến nay cơ bản đã xong hồ sơ báo cáo.
Lý giải nguyên nhân dự án chậm khép kín, ông Mãi cho hay hai đoạn vành đai 2 có vốn khá lớn, cần cân đối nhiều nguồn để hoàn tất hồ sơ thông qua chủ trương đầu tư, cố gắng triển khai trong năm 2023 và hoàn thành trong năm 2025 và quyết toán vào năm 2026.
Song song đó, trong năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu khánh thành metro 1 Bến Thành - Suối Tiên. Dự kiến ngày 21/12, metro số 1 chạy thử đoạn trên cao, tháng 3 chạy thử toàn tuyến và khánh thành thương mại trong năm 2023.
Đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến gần cầu Phú Hữu (TP Thủ Đức) thuộc Vành đai 2 đã thông tuyến với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thông tin thêm về các dự án TP.HCM đang triển khai, ông Mãi cho biết UBND TP.HCM cũng thúc đẩy hoàn thiện 4 tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, nâng cấp đường Lương Định Của, Tỉnh lộ 8, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); đồng thời chuẩn bị triển khai dự án vành đai 4.
Trong cuộc họp với tuần trước, TP.HCM và các địa phương đã thống nhất sẽ trình Quốc Hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp lần 5 (tháng 5/2023).
Cùng với Bình Dương, TP.HCM đang triển khai cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Bên cạnh đó, thành phố nghiên cứu hồ sơ thực hiện các cây cầu kết nối như Thủ Thiêm 3, 4, cầu Cần Giờ. Đối với metro 2, năm 2023, TP.HCM khởi công gói di dời hạ tầng kỹ thuật để có cơ sở khởi công trong năm 2025.
Liên quan hệ thống metro, TP.HCM thống nhất rà soát có cách tiếp cận đẩy nhanh hơn các dự án này.
"Chúng ta sẽ không phải thực hiện từng tuyến mà có cách tiếp cận khác trên tinh thần huy động nguồn lực từ tài trợ, vay, phát triển mô hình TOD để tận dụng hiệu quả các quỹ đất xung quanh", ông Mãi nói.
Tàu metro số 1 chạy 300 m đường ray hồi tháng 8. Ảnh: Phương Thảo. |
Trong thời gian tới, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ khởi động nghiên cứu hệ thống giao thông đường thủy, phát huy tiềm năng, chia lửa vận tải với giao thông đường bộ, như dự án: Nâng tĩnh không cầu Bình Triệu, cầu Bình Phước… đây là các dự án giúp thành phố phục vụ khai thác đường thủy tốt hơn.
Thông tin thêm, lãnh đạo thành phố cho hay vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đã trình danh mục 28 dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM cần tập trung điều hành từ nay đến năm 2025. Thành phố cũng có lộ trình điều tiết giao thông công cộng, thu phí phương tiện đi vào trung tâm và trong năm 2023, TP.HCM sẽ rà soát lại để chọn việc triển khai.
"Hạ tầng giao thông TP.HCM đóng vai trò rất quan trọng để phát triển thành phố, do đó TP.HCM sẽ có khối lượng công việc rất lớn cần triển khai trong năm 2023", Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định.
Hướng tuyến vành đai 2 TP.HCM. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.