Nhân Dân Nhật báo đưa tin Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (NRTA) thông qua chính sách hạn chế và cấm nghệ sĩ có quốc tịch nước ngoài hoạt động. Lệnh cấm yêu cầu đơn vị sản xuất "thận trọng khi chọn nghệ sĩ ngoại quốc" tham gia chương trình giải trí, dự án phim ảnh.
Quyết định trên là hệ quả từ vụ án tấn công tình dục của Ngô Diệc Phàm. Nghệ sĩ có quốc tịch Canada.
Giới chức siết chặt hoạt động của nhóm nghệ sĩ nước ngoài. Ảnh: iFeng. |
China Times cho biết danh sách nghệ sĩ mang hộ chiếu nước ngoài có nguy cơ bị cấm hoạt động lên đến 43 người. Trong đó, có 7 cái tên đã được tiết lộ là Lưu Diệc Phi, Lý Liên Kiệt, Phan Vỹ Bá, Triệu Hựu Đình, Vương Lực Hoành và Trương Thiết Lâm.
Vấn đề quốc tịch
Theo Sina, số lượng nghệ sĩ mang quốc tịch nước ngoài đang hoạt động và có tầm ảnh hưởng ở giới giải trí Hoa ngữ chiếm gần 50%. Họ được chia thành ba trường hợp chính.
Thứ nhất là nhóm ngôi sao có quốc tịch nước ngoài qua việc di cư. Có thể kể đến Tạ Đình Phong, Bành Vu Yến, Chung Lệ Đề, Đậu Kiêu, Triệu Hựu Đình, Vương Lực Hoành, Trác Thái Nghiên.
Ở trường hợp này, đa số nghệ sĩ nhập tịch theo gia đình. Họ không có quyền lựa chọn quốc tịch do chưa đủ tuổi thành niên. Sau khi lớn lên, các ngôi sao quay về Trung Quốc lập nghiệp.
Nghệ sĩ mang quốc tịch nước ngoài chiếm số lượng lớn trong showbiz. Ảnh: Sina, Sohu. |
Nhóm thứ 2 là nghệ sĩ chủ động từ bỏ quốc tịch Trung Quốc. Họ đổi quốc tịch do kết hôn với người nước ngoài, như trường hợp của Củng Lợi - kết hôn với doanh nhân người Singapore Hoàng Hòa Tường hay Trương Thiết Lâm - kết hôn với người phụ nữ Anh.
Và nghệ sĩ chủ động chuyển sang quốc tịch nước ngoài để có cuộc sống tốt hơn, điển hình là Lý Liên Kiệt. Ông nhập tịch Singapore vào năm 2011.
Nhóm cuối cùng là dàn sao được hưởng chính sách quốc tịch của nước sở tại khi chào đời. Họ chủ yếu là con của nghệ sĩ trong showbiz Hoa ngữ. Có thể kể đến Trần Phi Vũ, con trai Thành Long - Phòng Tổ Danh. Hai nữ diễn viên Trần Hồng và Lâm Phụng Kiều đã sang Mỹ sinh con.
Không chuyển quốc tịch, khó giữ sự nghiệp
Thanh Niên Nhật báo phân tích lệnh cấm nghệ sĩ có quốc tịch nước ngoài hoạt động sau khi ban hành có thể gây ra sự xáo trộn lớn trong giới giải trí Hoa ngữ.
Hiện tại, số lượng ngôi sao có 2 quốc tịch chủ yếu là ở giới giải trí Đài Loan, Hong Kong. Tuy nhiên, nếu muốn tiếp tục hoạt động ở thị trường Đại lục, các nghệ sĩ thuộc diện vi phạm bắt buộc phải từ bỏ lợi ích cá nhân. Trường hợp người nổi tiếng từ chối bỏ quốc tịch nước ngoài, họ phải chấp nhận lui về hoạt động ở nơi cởi mở về chính sách thị thực.
Tạ Đình Phong, Trần Phi Vũ từ bỏ quốc tịch nước ngoài. Ảnh: Weibo. |
Sau khi Tổng cục thông qua lệnh cấm, Tạ Đình Phong là nghệ sĩ đầu tiên thông báo từ bỏ quốc tịch Canada. Nam diễn viên khẳng định anh sinh ra ở Hong Kong và mang quốc tịch Trung Quốc. Theo Sohu, động thái của tài tử được đưa ra trong bối cảnh anh có nguy cơ mất trắng sự nghiệp nếu bị giới chức giáng đòn trừng phạt. Vài năm trở lại đây, anh phát triển ở thị trường Đại lục.
Trước Tạ Đình Phong, Trần Phi Vũ cũng chủ động bỏ quốc tịch Mỹ. Anh chính thức trở thành công dân Trung Quốc vào cuối tháng 7. Chia sẻ với iFeng, nghệ sĩ sinh năm 2000 cho biết đã chuẩn bị cho việc nhập tịch từ năm 18 tuổi. Do hồ sơ pháp lý phức tạp, phải mất đến 3 năm, anh mới hoàn thành mong muốn.
Trang Variety đánh giá Trần Phi Vũ khôn ngoan khi nhập quốc tịch Trung Quốc. Anh hiện là sao trẻ tiềm năng, được săn đón ở giới giải trí. Việc chủ động chuyển đổi quốc tịch, trước khi lệnh cấm được ban hành, giúp Trần Phi Vũ ghi điểm trong mắt khán giả.
Theo Tân Hoa Xã, bê bối của Ngô Diệc Phàm khiến giới chức nhanh chóng hợp thức hóa "lệnh hạn tịch", tức chính sách quản lý nghệ sĩ có quốc tịch nước ngoài trong showbiz. Từ tháng 2/2020, chính phủ Trung Quốc đã có dự thảo cơ bản về vấn đề này.
Đầu năm, Chloé Zhao, đạo diễn người Mỹ gốc Hoa, bị tẩy chay tại Trung Quốc. Bộ phim Nomadland của cô bị gỡ khỏi các cụm rạp ở đất nước tỷ dân. Tin tức liên quan Chloé Zhao bị chặn trên Internet.
Nguyên nhân là nữ đạo diễn có phát ngôn không đúng mực về Trung Quốc. Vì vậy, dù là nữ đạo diễn gốc Á đầu tiên thắng giải Đạo diễn xuất sắc tại Quả Cầu Vàng và Oscar, cô cũng không được chào đón tại đất nước tỷ dân.
Theo Hoàn Cầu, lệnh hạn chế và cấm nghệ sĩ nước ngoài được ban hành còn nhằm mục đích thống nhất hoạt động kiểm soát thuế quan. Cục thuế Quốc gia quy định người nổi tiếng không phân biệt quốc tịch đều bị đánh thuế 45% trên tổng thu nhập.
Với ngôi sao có quốc tịch nước ngoài, minh bạch thu nhập hàng năm là vấn đề nan giải và phức tạp đối với cục thuế. Vì vậy, nhiều năm qua, nhóm nghệ sĩ này không được thanh tra toàn diện thuế quan, làm ảnh hưởng đến tính công bằng.
Hơn nữa, nếu cá nhân lợi dụng kẽ hở chuyển tiền sang nước ngoài, công tác điều tra cũng gặp nhiều khó khăn. Việc nguồn thu nhập không thống kê đầy đủ gây thất thoát thuế nặng nề.