Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ được tăng bao nhiêu?

Ngày 7/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ chốt phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng.

Hôm nay (28/7) Hội đồng Tiền lương quốc gia họp bàn về phương án tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2018.

Theo đó, phiên họp lần này cả hai bên đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động đều đã điều chỉnh mức đề xuất tăng lương tối thiểu.

Cụ thể, phía đại diện người lao động đã giảm phương án tăng lương tối thiểu vùng xuống còn 8%, trong khi đại diện người sử dụng lao động đề xuất mức tăng lên 5%.

Tuy nhiên, kết thúc phiên họp lần thứ 2 cả hai bên vẫn chưa thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng 2018.

Trước đó, tại phiên họp đầu tiên đại diện người lao động đề xuất tăng lương khoảng 13%, đại điện người sử dụng lao động đề xuất tăng 4%.

Tang luong toi thieu vung nam 2017 anh 1
Thay đổi mức lương tối thiểu vùng năm 2018 theo đề xuất của các bên liên quan. Đồ họa: Quang Thắng.

Theo ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đơn vị này đề xuất mức điều chỉnh với kỳ vọng chấm dứt việc tiền lương tối thiểu phải chạy đuổi theo mức sống tối thiểu.

Tuy nhiên, xem xét đến các yếu tố tác động khác và đảm bảo lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là khả năng chi trả tiền lương của doanh nghiệp, Tổng liên đoàn đã hạ mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng xuống còn 8%.

Đại diện chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng đề xuất tăng lương tối thiểu ở mức 5% dựa vào nhiều yếu tố như năng suất lao động thực tế, chỉ số CPI, chất lượng việc làm, và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Ông Phòng cho rằng trong điều kiện hiện nay, khả năng chi trả lương của doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng phần lớn vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong ngành dệt may, da giày, thuỷ sản và lắp ráp điện tử…

Tang luong toi thieu vung nam 2017 anh 2
Từ năm 2014 đến nay, mức lương tối thiểu vùng đã tăng trung bình 38%. Đồ họa: Quang Thắng.

Dù hai bên đã điều chỉnh tỷ lệ tăng lương tối thiểu trong đề xuất, khoảng cách vẫn còn tới 3%. Vì vậy, Hội đồng Tiền lương đã quyết định dừng thảo luận để các bên củng cố thêm cứ liệu, dẫn chiếu thuyết phục hơn, bảo vệ luận điểm của mình.

Dự kiến ngày 7/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 3 để quyết định mức lương tối thiểu. 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp, "các phương án về lương tối thiểu vùng đưa ra chênh nhau là bình thường và cần phải thương lượng để tìm đến điểm cân bằng.

Tất nhiên, Luật Lao động khẳng định lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu", ông Diệp chia sẻ.

Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng theo Nghị định 153/2016 có hiệu lực từ ngày 1/1 quy định mức lương tối thiểu đối với lao động vùng 1 là 3,75 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,32 triệu đồng/tháng; lao động thuộc vùng 3 được chi trả mức lương tối thiểu 2,9 triệu đồng/tháng và lao động vùng 4 là 2,58 triệu đồng/tháng.

Để có việc làm, 1 lao động ở Sài Gòn phải 'chọi' với 48 người khác

TP.HCM đang là trung tâm lao động có tỷ lệ cạnh tranh việc làm lớn nhất nước. Người tìm việc tại đây phải cạnh tranh với trung bình 48 người khác để có công việc.

Chủ tịch Hội đồng Tiền lương nói về tăng lương năm 2018

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp kiêm Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ đảm bảo hài hòa giữa người lao động và chủ sử dụng.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm