Báo cáo về nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung lao động trong nửa đầu năm 2017 của Navigos Group, cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự đầu năm có chiều hướng tăng tới 20% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung nhân lực cũng tăng 14% so với cùng kỳ.
Hà Nội và TP.HCM vẫn là hai trung tâm việc làm có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất cả nước, gấp nhiều lần so với các tỉnh, thành phố còn lại. Các tỉnh Bình Dương, Đà Nẵng và Bắc Ninh nhu cầu lao động cũng khá cao.
TP.HCM là thành phố có tỷ lệ cạnh tranh việc làm lớn nhất cả nước, trung bình cứ 1 người tìm việc sẽ phải cạnh tranh với 48 người khác để có công việc mới. Đồ họa: Quang Thắng. |
Đáng chú ý, dù nhu cầu tuyển dụng cao, TP.HCM lại là nơi người lao động phải cạnh tranh gay gắt nhất để có thể tìm được việc làm. Tỷ lệ cạnh tranh lao động ở thành phố này lên tới 1/48, tức cứ 1 người tìm việc phải cạnh tranh với 48 người khác để có công việc mới.
Bắc Ninh và Bình Dương, hai "thủ phủ" khu công nghiệp lớn của Việt Nam, cũng là 2 nơi có tỷ lệ cạnh tranh việc làm cao. Hai nơi này có cùng tỷ lệ 1/42, tương đương 1 người tìm việc phải cạnh tranh với trung bình 42 người khác để có công việc mới.
Hà Nội và Đà Nẵng xếp thứ 4 với tỷ lệ 1/39.
Bình quân mỗi lao động tìm việc trong ngành hành chính/thư ký phải cạnh tranh với 69 người khác để có công việc mới. Đồ họa: Quang Thắng. |
Theo thống kê chỉ số phát triển doanh nghiệp với các tỉnh thành phố năm 2016 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là nơi có tốc độ phát triển doanh nghiệp đang hoạt động tại cuối năm 2016 so với năm trước lên tới 19,3%, xếp trên nhiều trung tâm công nghiệp lớn khác như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, chỉ sau Đồng Nai với tỷ lệ 24%.
Một thống kê khác từ Tổng cục Thống kê cho biết Bắc Ninh là tỉnh có tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp bình quân hàng năm cao nhất cả nước trong giai đoạn 2000-2015, lên tới 24%.
Báo cáo Navigos cũng cho biết một số ngành nghề có tỷ lệ cạnh tranh việc làm lớn nhất đầu năm 2017. Trong đó, hành chính, thư ký có tỷ lệ cạnh tranh nhất, với tỷ lệ lên tới 1/69. Tức 1 người tìm việc trong ngành này sẽ phải cạnh tranh với 69 người khác.
Xếp thứ 2 là kế toán với tỷ lệ 1/65. Các ngành nghề tiếp theo là xuất nhập khẩu với 1/60, sản xuất 1/50, cấp quản lý điều hành với tỷ lệ 1 chọi 45.