Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lượng sách làm ra tăng 91% sau 6 năm

Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, lượng sách làm ra năm 2022 đạt 598,9 triệu bản, tăng 91% so với năm 2017. Bình quân, mỗi người Việt hưởng thụ 6,02 bản sách/năm.

Ảnh minh họa: Thanh Trần.

Vừa qua, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - đã chia sẻ những con số thống kê về ngành xuất bản, cho thấy một sự tăng trưởng qua các năm.

Số bản sách, lượng sách bình quân trên đầu người, doanh thu đều tăng cho thấy ngành xuất bản Việt đang giữ nhịp tăng trưởng. Ông cho rằng kết quả này đến từ rất nhiều cố gắng, nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo không ngừng của các đơn vị trong khối xuất bản, in và phát hành và đặc biệt là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trước những con số tích cực ấy, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - đã nói: “Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào vì những kết quả đã đạt được trong những năm gặp nhiều khó khăn vì đại dịch. Số lượng sách đạt nhiều nhất từ trước đến nay, xuất bản số, thể loại sách tinh gọn, sách điện tử đang được chú trọng, truyền thông sách được đẩy mạnh… tất cả đều cho thấy những dấu hiệu tích cực”.

nghien cuu xuat ban anh 1

Lượng sách làm ra qua các năm

Năm 2017, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác nhận đăng ký xuất bản 62.800 tên xuất bản phẩm. Trong đó, có 387 tên xuất bản phẩm điện tử. Với xuất bản phẩm dạng sách in, đã xuất bản 30.851 cuốn với 312,5 triệu bản. Xuất bản phẩm dạng điện tử: 217 xuất bản phẩm với 3,8 triệu lượt bán; các xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại: 1.800 xuất bản phẩm với 33 triệu bản; mức hưởng thụ bình quân đạt khoảng 3,3 bản sách/người/năm.

Năm 2018, toàn ngành đã xuất bản được 31.766 cuốn sách mới, với hơn 390 triệu bản, tăng 20,6% so với năm 2017. Năm 2018 là năm mà lượng sách làm ra tăng lớn cả về số đầu sách lẫn bản sách. Bên cạnh đó, lượng sách vi phạm nội dung giảm, các nhà xuất bản đã có đủ điều kiện về vốn, nhân lực để hoạt động.

Năm 2019 Theo tổng kết của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm qua toàn ngành xuất bản trên 33.000 cuốn sách. Lượng bản sách trên 400 triệu bản. Xuất bản phẩm điện tử đạt trên 2.400 cuốn với 1,5 triệu lượt truy cập, tốc độ tăng trưởng tăng 25 lần (số cuốn), 5 lần (lượt truy cập) so với 2018.

Năm 2020, dù gặp nhiều thách thức, song ngành sách vẫn duy trì được nhịp sản xuất, phát hành. Toàn ngành xuất bản trên 33.000 đầu sách với 410 triệu bản sách, doanh thu ước tính 2.700 tỷ đồng (bằng 97% so với năm 2019).

Năm 2021, ngành xuất bản gặp khoa khăn trong đại dịch. Tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 32.948 (giảm 9%); số bản sách làm ra là 400 triệu (giảm 0,7%).

Trong đó, sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo chiếm ưu thế (34% cơ cấu sách). Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 4,08 bản/người/năm (giảm 1,2% so với năm 2020).

Trong bối cảnh chưa thể tăng trưởng về số lượng sách, các đơn vị xuất bản đã tập trung cho chất lượng. Nhiều xuất bản phẩm có giá trị tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, biển đảo; quảng bá hình ảnh, văn hóa con người Việt Nam; phục vụ phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, hướng dẫn kỹ năng khởi nghiệp...

Năm 2022, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 38.029 xuất bản phẩm (tăng 15,42%) với 598,9 triệu bản (tăng 49,5%). Trong đó: Xuất bản phẩm dạng sách in đạt 32.645 cuốn (tăng 11,5%) với 539,9 bản (tăng 54,2%); xuất bản phẩm dạng điện tử là 3.350 xuất bản phẩm (tăng 45,6%) với ước tính khoảng 32,5 triệu bản (tăng 30%). Xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại...) đạt 2.034 xuất bản phẩm (tăng 48%) với 26,5 triệu bản (tăng 3,4%).

Xuất bản điện tử tăng trưởng nhưng chưa xứng tiềm năng

Ông Nguyễn Nguyên cho biết năm qua, xuất bản điện tử cũng đã có một bước tiến lớn khi mà số bản sách tăng lớn, đạt 3.350 xuất bản phẩm (tăng 45,6%) với 32,5 triệu bản (tăng 30%).

Dù đây là một con số tích cực, nhiều đại biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 vẫn cho rằng thị trường xuất bản điện tử ở Việt Nam chưa thực sự đột phá.

Không ít lần, ông Nguyễn Thanh Lâm đã nhấn mạnh mục tiêu trọng điểm của ngành là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Ông khẳng định: “Chúng ta đang ở trung tâm của ngành công nghiệp nội dung số. Cần có một cách tiếp cận mới để kết hợp các hình thức nội dung với nhau, để xuất bản phẩm trở thành một phần trong hệ sinh thái nội dung và phát triển những vòng đời khác nhau".

Không thể phủ nhận rằng ngành xuất bản thời gian qua đã có nhiều bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi số. Nhưng quá trình ấy chưa hoàn thiện. Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Nguyên đã nói: "Nếu ta không tìm kiếm được giải pháp để khắc phục thì chắc chắn khó duy trì được đà tăng trưởng".

Người làm xuất bản đã ra sức tìm giải pháp cho xuất bản điện tử, đề xuất một số giải pháp công nghệ như VHMT, mạng xã hội nội bộ 4.0 cho ngành xuất bản... với hy vọng giúp phát triển xuất bản điện tử theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số.

Chỉ thời gian mới cho biết liệu những giải pháp này liệu giúp ngành xuất bản điện tử Việt Nam phát triển hoàn thiện. Điều quan trọng trước mắt có lẽ là tiếp tục "gia cố" những thông số tích cực từ Cục Xuất bản, In và Phát hành để xuất bản điện tử tiếp tục phát triển.

Thời thế thay đổi, thói quen đọc thay đổi, đặc biệt là ở thế hệ mới, đòi hỏi ngành xuất bản cũng cần vận động theo. Quá trình này không dễ xảy ra một sớm một chiều. Sự thật là xuất bản điện tử vẫn đang có những bước tiến từ tốn và chúng ta có thể tin tưởng rằng người làm xuất bản đang đặc biệt chú ý đến khía cạnh này, với hy vọng một ngày không xa, thị trường xuất bản điện tử cũng sôi động như thị trường xuất bản sách giấy.

Tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10/10/1952-10/10/2022) chiều 10/10, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng đã nhấn mạnh rằng hoạt động xuất bản phải kịp thời thích ứng, kinh tế xuất bản phải trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại.

Ngành Xuất bản tăng trưởng với nhiều chỉ số ấn tượng

Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 33,3%), cũng là năm đầu tiên cán mốc mục tiêu 6 bản sách/người/năm.

Doanh thu ngành in đạt 93.000 tỷ đồng

Là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng và đóng góp cho đất nước, ngành in đang cần rất nhiều sự hỗ trợ để vượt qua những vấn đề hiện tại và tăng khả năng cạnh tranh với các nước khác.

Anh Vũ

Bạn có thể quan tâm