Nồng độ phấn hoa tuyết tùng trong không khí đạt mức cao nhất trong 10 năm tại Nhật Bản. Ảnh: Shutterstock. |
21/47 tỉnh, thành phố ở Nhật Bản đang bước vào mùa dị ứng phấn hoa, trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo rằng lượng phấn hoa tiết ra từ cây tuyết tùng có thể đạt mức cao nhất trong 10 năm ở một số vùng, South China Morning Post đưa tin ngày 20/2.
Cảnh báo được đưa ra dựa trên cuộc khảo sát do Bộ Môi trường Nhật Bản tiến hành vào tháng 11 và tháng 12 hàng năm, cho thấy số lượng hoa tuyết tùng đực cao kỷ lục tại 12 tỉnh.
Cơ quan này cho rằng nguyên nhân khiến lượng phấn hoa tăng cao là do điều kiện thời tiết ở Nhật Bản vào mùa hè năm 2022: Nhiệt độ trung bình đã cao hơn, mưa ít và nhiều giờ nắng hơn trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8.
Trước đó, công ty dự báo thời tiết Weathernews ngày 15/2 xác nhận mùa phấn hoa đã bắt đầu tại 21 tỉnh, gồm 7 tỉnh ở đảo Kyushu, 7 tỉnh ở vùng Kanto, Ehime, Kochi, Yamaguchi, Shimane, Wakayama, Mie và Shizuoka, theo Japan News.
Các quan chức ở Tokyo - nơi nồng độ phấn hoa dự kiến cao gấp 2,7 lần so với năm 2022 - đã cảnh báo cư dân địa phương và hướng dẫn những người bị dị ứng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn đeo khẩu trang và kính bảo vệ. Nồng độ phấn hoa tuyết tùng dự kiến đạt đỉnh ở Tokyo vào những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3.
Yoko Tsukamoto, giáo sư kiểm soát nhiễm trùng tại Đại học Khoa học Y tế Hokkaido, cho biết: “Hãy đeo khẩu trang che mũi và miệng, đồng thời bảo vệ mắt khỏi phấn hoa bằng kính. Người bị viêm mũi dị ứng nên tránh dụi mắt và rửa tay thường xuyên”.
“Không thể tránh phấn hoa hoàn toàn, vì vậy lời khuyên là giảm lượng hít vào đến mức tối thiểu”, bà nói thêm.
Cuốn sách thức tỉnh hàng triệu người dân Nhật
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Khuyến học bàn về những yếu tố cơ bản khi xây dựng quốc gia hưng thịnh, về tinh thần học tập để quốc dân tự cường, dựa trên kinh nghiệm của người Nhật.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.