Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lượng điện tiêu thụ lập kỷ lục mới dù chưa cao điểm nắng nóng

Theo EVN, 5 tháng đầu năm chưa phải là thời kỳ cao điểm nắng nóng nhưng hệ thống đã ghi nhận lượng điện tiêu thụ tăng cao chưa từng thấy, vượt kỷ lục mùa nắng năm 2018.

Đây là thông tin được Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia Vũ Xuân Khu chia sẻ với báo chí.

Liên tục lập đỉnh mới

Ông Khu dẫn chứng vào ngày 24/4, thời điểm nóng nhất tháng 4, công suất đầu nguồn cực đại (Pmax) toàn hệ thống là 35.703 MW, vượt qua kỷ lục trong đợt nắng nóng nhất năm ngoái là 35.118 MW vào ngày 3/7/2018.

Hôm qua, ngày 17/5, mức tiêu thụ điện toàn hệ thống thiết lập đỉnh mới cao hơn, với công suất đỉnh đầu nguồn toàn hệ thống lên tới 35.912 MW.

Bên cạnh đó, lượng điện năng tiêu thụ đầu nguồn toàn hệ thống điện quốc gia trong ngày hôm qua lên tới 755 triệu kWh, vượt kỷ lục cũ vào ngày 3/7/2018 là 725 triệu kWh.

Tính chung 4 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc là 74,35 tỷ kWh, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo EVN, thực tế nhiều năm cho thấy nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nền nhiệt độ. Doanh nghiệp cho biết nếu tháng 5, 6 tới chứng kiến cao điểm nắng nóng, dự kiến phụ tải còn tiếp tục tăng mạnh. Công suất cực đại ước tính sẽ ở mức 37.000- 39.000 MW, tăng 11-14% so với cùng kỳ năm trước.

tieu thu dien cao ky luc anh 1
Công suất và lượng điện tiêu thụ trong những ngày qua đã lập kỷ lục mới. Ảnh minh họa: EVN.

Như vậy, có thể hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình sẽ còn tiếp tục tăng trong các tháng tới đây.

Trước đó, khi nhiều khách hàng trên cả nước bức xúc về việc hóa đơn tiền điện tăng đến vài chục phần trăm thậm chí gấp đôi sau khi giá điện được điều chỉnh tăng hơn 8% mỗi bậc thang đầu tháng 3, EVN cũng lý giải ngoài nguyên nhân tăng giá, lý do còn đến từ việc tiêu thụ điện tăng cao trong giai đoạn bắt đầu mùa nắng nóng.

Theo nhiều chuyên gia, cách tính điện theo biểu giá 6 bậc thang hiện nay tạo ra chênh lệch bậc mới và bậc cũ rất cao. Do đó, khách hàng phải trả tiền nhiều hơn hay nói cách khác, tốc độ tăng lượng điện tiêu thụ thấp hơn tốc độ tăng số tiền điện phải thanh toán.

Căng thẳng vận hành nguồn điện

Bên cạnh đó, đại diện EVN cũng chia sẻ công tác vận hành nguồn điện đang rất căng thẳng.

Cụ thể, với thủy điện, chỉ các hồ tại khu vực miền Bắc có lượng nước về tương đối khá, tương đương mức trung bình nhiều năm. Trong khi đó, phần lớn các hồ ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, lưu lượng nước về thấp do tình hình thủy văn không thuận lợi.

Hiện sản lượng thủy điện tích trong các hồ tại miền Trung và miền Nam chỉ khoảng 2 tỷ kWh, bằng tổng phụ tải toàn quốc trong 3 ngày làm việc. Tính riêng các hồ miền Nam, con số chỉ là 0,38 tỷ kWh, tương đương lượng điện tiêu thụ tại khu vực này trong đúng một ngày.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu từ tháng 4 để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tổng sản lượng nhiệt điện dầu huy động đến hiện tại là 160 triệu kWh. Thời gian tới, nguồn điện này sẽ phải tiếp tục được huy động.

tieu thu dien cao ky luc anh 2
Nhân viên làm việc bên trong Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia. Ảnh: Hiếu Công.

Tuy nhiên, EVN nhấn mạnh khó khăn sẽ càng lớn trong mùa khô và các tháng còn lại của năm 2019, do lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm. Tại miền Nam, nhiều hồ đã gần về mực nước chết.

Bên cạnh đó, EVN cũng thông tin nguồn khí sau nhiều năm khai thác đã suy giảm. Còn nguồn than trong nước hiện nay cũng không thể đảm bảo đủ cho sản xuất điện và phải nhập khẩu than.

Dù vậy, phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải khẳng định tập đoàn đã có giải pháp trong cả ngắn và dài hạn để đáp ứng đủ điện trong bối cảnh căng thẳng khi vận hành hệ thống điện.

Theo đó, thủy điện sẽ được huy động linh hoạt theo lưu lượng nước về và nhu cầu phụ tải, đảm bảo khả dụng đến cuối mùa khô. Các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí ở miền Nam sẽ được huy động tối đa công suất. Các giải pháp đảm bảo nhiên liệu cho phát điện cũng đã được phối hợp triển khai.

Ngoài ra, sắp tới, gần 100 dự án điện mặt trời sẽ đóng điện và vận hành chính thức.

“Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung, cần tập trung quản lý từ phía cầu để sử dụng điện hợp lý. Ngành điện cần sự chia sẻ, phối hợp từ khách hàng để tham gia thực hiện điều chỉnh phụ tải, góp phần san tải hệ thống điện trong giờ cao điểm”, Phó tổng giám đốc EVN nhấn mạnh.

Ngoài ra, EVN cam kết hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp để phát triển điện mặt trời áp mái, giải pháp bổ sung nguồn điện sử dụng tại chỗ, giảm áp lực đầu tư nguồn và lưới điện mới, giảm tổn thất truyền tải.

Lắp pin mặt trời, điện xài dư bán lại cho EVN Hàng nghìn hộ dân TP.HCM lắp điện mặt trời. Hiện giờ, điện không những đủ dùng cho gia đình mà còn thừa để bán cho EVN.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm