Enrique tuyên bố rời Barcelona vào cuối mùa. Nếu điều này xảy ra trước khi đội bóng thảm bại 0-4 trước PSG, đó là một thông tin gây sốc. Còn giờ, điều đó quá đỗi bình thường. Trên ESPN, phóng viên Samuel Marsden thậm chí nói thẳng "chẳng có gì bất ngờ khi Luis Enrique rời Barca".
Có chăng, người ta bất ngờ vì sao ở thời điểm này. Enrique lấy lý do quá mệt mỏi, cái cớ hoàn hảo để rời cương vị HLV một trong những đội bóng thành công nhất thế giới. Ông muốn tự đập bỏ xiềng xích đè nặng lên vai. Bản thân ông đã quá mệt mỏi vì phải sống trong cảnh bị cô lập ở Barcelona.
Trong 100 trận dẫn dắt Barca, thành tích của Luis Enrique vượt trội Pep Guardiola và Johan Cruyff. |
Enrique là nạn nhân của người hâm mộ tham lam. Samuel Marsden mô tả vị HLV này từ đầu không được thừa nhận vì tư duy khó hiểu của cules. Enrique từng đá cho Barca, nhưng không hề thấm nhuần tư tưởng tiqui-taka. Mà người Catalan đòi hỏi "Blaugrana" phải thắng, mà phải thắng đẹp.
Cựu thành viên CLB không làm được điều này. Mặc cho ông trở thành HLV duy nhất có tỷ lệ giành chiến thắng cao hơn bất kỳ ai (76% trong 164 trận), điều đó vẫn chưa thỏa mãn NHM. Họ bị ám ảnh bởi thứ bóng đá Pep truyền tải vào CLB. Ngày ấy, Barca thắng oanh liệt với các siêu phẩm được tạo ra.
Còn giờ, đội bóng chơi trực diện, không chuyền ngang như trước, ưu tiên hàng đầu của CLB nằm ở hàng thủ. Sự khác biệt về lối chơi đủ khiến chiến lược gia 46 tuổi bị "khinh miệt" như câu chữ ESPN mô tả. May mắn đã tìm đến Enrique khi những danh hiệu (8 chức vô địch) đã giúp ông còn trụ lại tới giờ.
Thành tích chưa đủ để cứu Enrique. |
Enrique thậm chí bị xem là "đứa con ghẻ" ở Catalan. Ông phản lại triết lý mà Guardiola lừng danh từng thành công. Barca năm 2008 được vận hành dựa trên hàng tiền vệ trứ danh với Xavi, Busquets, Iniesta và Messi. Còn sau này, đội bóng phụ thuộc vào "MSN" gồm Messi, Suarez và Neymar.
Barca ngày hôm qua chơi đập nhả trở thành thương hiệu riêng, là nguồn cảm hứng cho các CLB khác. Enrique không thể giúp đội nhà làm như vậy. Khó trách đứa con vùng Asturias, ông gia nhập CLB khi Johan Cruyff đã ra đi và Bobby Robson đến. Vậy nên triết lý Barca đâu có găm sâu vào tim ông.
Bóng đá chứa đựng đầy rẫy sự bất công. Tồn tại trong chiến thắng còn xuất hiện khái niệm kiêu hãnh. Người Catalan muốn Barca chinh phục mọi danh hiệu bằng truyền thống và bản sắc. Có khi, họ chỉ cần đội nhà chơi thứ bóng đá được rèn luyện từ chính những hạt mầm tập luyện ở lò La Masia.
Luis Enrique đã quá mệt mỏi với áp lực tại Barca. |
Enrique đi ngược với điều đó và phải trả giá. Không còn ai ủng hộ ông khi CLB gánh chịu kết quả bết bát. Báo chí đã ở đâu vào thời điểm Barca bị Atletico Madrid đánh bật khỏi Champions League mùa trước và bị PSG hủy diệt mùa này? Các tờ báo tại Catalan quay lưng với Enrique.
Họ chỉ trích, dùng những ngôn từ mang tính sát thương và trù dập vị HLV này sớm bị văng khỏi ghế chỉ đạo. Enrique cảm nhận được điều đó. Từ lúc bị loại khỏi Champions League mùa trước tại tứ kết, vị HLV này phải chịu sự giám sát vô hình. Ông trải qua 12 tháng trong sự hoài nghi về năng lực.
Thậm chí, Enrique đứng trước nguy cơ bị sa thải ngay ở mùa đầu tiên sau trận thua Sociedad vào tháng 1, theo ESPN. Từ khi nào một HLV sớm bị nghi ngờ về năng lực chỉ sau 90 phút? Ban lãnh đạo không ủng hộ, truyền thông quay lưng, những điều đó khiến ông thầy 46 tuổi mất dần sự tín nhiệm.
Enrique viện cớ áp lực dẫn đến quyết định không gia hạn hợp đồng, nhưng ông thực sự quá hiểu phận "con ghẻ" thế nào.
Bóng đá chỉ ghi nhận những kẻ chiến thắng và gọi tên họ bằng những gì mỹ miều nhất. Với Enrique, người ta sẽ gọi ông là kẻ thất bại mà quên đi những gì đã giành được cùng CLB nếu đội bóng trắng tay mùa này. Điều đó hơi cay đắng. Enrique có thể không phải HLV tuyệt vời, nhưng vẫn là người tài năng.
Vì sao như thế? Hãy nhìn số danh hiệu, những chiến thắng vang dội của Barca dưới thời nhà cầm quân này sẽ rõ.