Một nhóm chiến binh người Shiite đang rời khỏi Baghdad ngày 1/1. Ảnh: AP |
“Họ bị bắt cóc vì là người Mỹ, không phải lý do cá nhân hoặc tài chính”, Reuters dẫn lời một trong hai nguồn tin tình báo Iraq tại Baghdad cho biết.
Hisham al-Hashemi, cố vấn của chính phủ Iraq, cho rằng mục đích của vụ bắt cóc là nhằm gây rắc rối và làm suy yếu chính quyền Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. Ông Abadi đang cố gắng cân bằng mối quan hệ giữa Iraq với Iran và Mỹ.
“Lực lượng dân quân người Shiite tức giận vì quân đội giành chiến thắng ở Ramadi dưới sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu mà không có sự tham gia của họ”, ông Abadi nói.
Các nguồn tin Mỹ lại cho rằng, Washington không tin Tehran tham gia vụ bắt cóc và 3 công dân của họ đang bị giam tại Iran.
Ngày 15/1, các tay súng bắt 3 người Mỹ từ nhà riêng của họ ở quận Dora, phía đông nam thủ đô Baghdad. Những người này làm việc cho một công ty thuộc tập đoàn General Dynamics Corp (GD.N) theo một hợp đồng lớn với quân đội Mỹ.
Họ cũng là những người Mỹ đầu tiên bị bắt cóc tại Iraq kể từ khi Washington rút quân khỏi quốc gia Trung Đông.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 17/1 cho biết họ đã phối hợp với chính quyền Iraq nhằm xác định địa điểm được cho là nơi 3 người Mỹ mất tích. Tuy nhiên, cơ quan này không xác nhận công dân của họ bị bắt cóc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby từ chối cho biết liệu Ngoại trưởng John Kerry có liên lạc với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif về vụ bắt cóc hay không.
Sự thù địch giữa Tehran và Washington đã giảm trong những tháng gần đây. Ngày 16/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama ký sắc lệnh thu hồi các lệnh trừng phạt được áp dụng 20 năm qua với Iran do Tehran tuân thủ đúng các thỏa thuận về chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với 11 công ty và cá nhân liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.