Tuần qua, cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục leo thang lên một cột mốc mới khi NATO cáo buộc Nga đưa thêm 30.000 quân tới Belarus, quốc gia nằm ở phía bắc Ukraine.
Ngoài những trang bị vũ khí tối tân nhất như tiêm kích Su-35, tên lửa đạn đạo có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân Iskander, hay hệ thống phòng không S-400, Nga đã đưa tới Belarus hai tiểu đoàn biệt kích Spetsnaz - đơn vị đặc biệt thiện chiến cả trong tấn công lẫn hoạt động tình báo, theo Reuters.
Đơn vị đặc biệt tinh nhuệ
Spetsnaz, tên của đơn vị biệt kích, cách viết tắt của cụm từ "spetesialnoe naznachenie" có nghĩa là "nhiệm vụ đặc biệt".
Khái niệm đầu tiên về một đơn vị đặc biệt tinh nhuệ mang tên Spetsnaz ra đời trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đội quân Spetsnaz khi đó bao gồm một đơn vị trinh sát hoạt động sâu trong hậu phương của kẻ thù, thực hiện các vụ tấn công phá hoại và gây hỗn loạn.
Đơn vị Spetsnaz khi đó có khoảng 300 người, chủ yếu thuộc dân tộc Cossack. Lực lượng Spetsnaz có thể nói nhiều thứ tiếng để thẩm vấn, tra khảo thông tin tù binh.
Trong thời kỳ Liên Xô, Spetsnaz hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cao nhất đất nước, khởi đầu từ Joseph Stalin. Mục tiêu ban đầu của Stalin là sử dụng Spetsnaz phá hoại các vũ khí hạt nhân của Mỹ và đồng minh. Đến năm 1962, Liên Xô có khoảng 5 tiểu đoàn Spetsnaz.
Nhiệm vụ của lực lượng này bắt đầu được mở rộng từ 1979, bao gồm các hoạt động do thám, phá hoại cơ sở hạ tầng, tấn công căn cứ quân sự, cơ sở năng lượng, sân bay quân sự và dân sự.
Đặc nhiệm Spetsnaz của Nga diễn tập chống khủng bố ở Rostov. Ảnh: TASS. |
Sau khi Liên Xô tan rã, quân đội Nga tiếp tục duy trì sự tồn tại của các đơn vị Spetsnaz.
Các tiểu đoàn Spetsnaz đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến tại Chechnya, các chiến dịch chống khủng bố ở Nhà hát Moscow và trường trung học Beslan, cũng như hoạt động của Nga ở Syria.
Theo tạp chí quốc phòng 19Fortyfive, các đơn vị Spetsnaz thuộc quyền chỉ huy của nhiều cơ quan tình báo khác nhau, gồm Cơ quan tình báo quân đội (GRU), Cơ quan tình báo liên bang (FSB), và Cơ quan tình báo đối ngoại (SVR).
Ngoài ra, quân đội Nga có một đơn vị Spetsnaz thực hiện các chiến dịch đặc biệt (SOC) và một đơn vị lính dù Spetsnaz.
Để được chiêu mộ vào Spetsnaz, các ứng viên phải hoàn thành các chương trình đào tạo đặc biệt về nhảy dù, leo núi, chống khủng bố, sử dụng chất nổ. Chỉ khoảng 5-10% ứng viên được các đơn vị Spetsnaz lựa chọn.
Nhiệm vụ của Spetsnaz ở Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cáo buộc Spetsnaz đã có mặt ở Ukraine từ năm 2014 sau khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, chính trị gia thân Moscow, bị lật đổ.
Theo 19Fortyfive, đơn vị Spetsnaz thực hiện các chiến dịch đặc biệt (SOC) là lực lượng được triển khai tới Crimea năm 2014. Các binh sĩ SOC đã chiếm giữ tòa nhà hội đồng lập pháp Crimea, sau đó giám sát cuộc trưng cầu dân ý dẫn tới Crimea tuyên bố độc lập, trước khi được sáp nhập vào Nga.
Lực lượng SOC khi đó mặc trang phục quân sự không có huy hiệu, đeo mũ che mặt màu đen để che giấu danh tính nhằm phủ nhận sự can thiệp trực tiếp của Nga vào Crimea.
Lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz của Nga. Ảnh: TASS. |
Trường hợp Nga phát động chiến tranh, lực lượng Spetsnaz sẽ tiếp tục là "mũi giáo" đắc lực của Moscow đánh vào những yếu điểm của Kiev.
Spetsnaz cũng có thể được giao đào tạo lực lượng phiến quân ly khai, sau đó tổ chức các vụ tấn công phá hoại ở hậu phương quân đội Ukraine. Với kịch bản này, các lãnh đạo quân đội Ukraine cũng ở trong tầm ngắm.
Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của Spetsnaz tại Ukraine nhiều khả năng là do thám và thu thập tin tức tình báo, cung cấp dữ liệu, vị trí chính xác các mục tiêu giá trị cao của quân đội Ukraine để hỏa lực tầm xa của Nga khai hỏa.
Các đơn vị Spetsnaz nhảy dù có thể được không quân Nga liên tục đưa vào khu vực hậu phương của Ukraine để lặp lại quá trình thu thập tin tức tình báo hoặc tấn công phá hoại.
Nga có thể gặp khó khăn khi tìm cách rút các đơn vị Spetsnaz ra khỏi hậu cứ của quân đội Ukraine. Phương tiện di chuyển hiệu quả nhất là trực thăng sẽ phải hoạt động trong vùng hỏa lực của đối phương. Tuy nhiên, nếu kiểm soát được các sân bay chiến lược, Nga có thể dùng các tuyến không vận an toàn để rút các đơn vị Spetsnaz ra khỏi Ukraine.
Moscow tuyên bố lực lượng Nga triển khai tới Belarus để tham gia cuộc tập trận chung với nước chủ nhà. Tuy nhiên, phương Tây ngày càng hoài nghi Nga đang tập trung lực lượng chuẩn bị tấn công Ukraine.
Trong ngày 5/2, khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ thuộc lực lượng tăng viện cho NATO đã được triển khai tới Đức và Ba Lan. Lầu Năm Góc cho biết động thái tăng cường lực lượng nhằm củng cố khả năng phòng thủ cho sườn phía đông của NATO, cũng như nhằm răn đe Moscow.