Theo Hollywood Reporter, chuỗi thỏa thuận giữa các nhà sản xuất điện ảnh, truyền hình châu Phi ký với hãng phim và đơn vị phát sóng ở Hollywood đã đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ so với những thập kỷ trước - thời điểm tiềm năng của lục địa đen bị xem thường hoặc bỏ qua.
"Làm nghề 20 năm, tôi mới được chứng kiến sự bùng nổ, bước ngoặt quan trọng của phim ảnh châu Phi", Mosunmola Abudu, trùm truyền thông người Anh gốc Nigeria, bày tỏ.
Bà nhấn mạnh: "Thị trường đã thay đổi".
Công ty của Abudu, EbonyLife Media, hưởng lợi từ thay đổi đó. Năm 2020, EbonyLife đóng cửa kênh truyền thông châu Phi để tập trung vào thương vụ làm ăn với Mỹ. EbonyLife Media là công ty châu Phi đầu tiên ký hợp đồng sản xuất phụ đề với Netflix cho các phim Oloture, Blood Sisters và Death and the King's Horseman, Castle & Castle... Những dự án khác của công ty là Nigeria 2099, Reclaim cùng loạt phim hành động hợp tác với Sony Pictures Television kể về đội quân Tây Phi toàn nữ.
Tiềm năng ở châu Phi không bị lãng quên
Năm 2021, Mosunmola Abudu bắt tay công ty Westbrook Studios của vợ chồng Will Smith sản xuất các phim điện ảnh, truyền hình ở châu Phi, đồng thời hợp tác cùng Will Packer Productions và Universal Studios làm phim kinh dị về cuộc đời trùm lừa đảo đội lốt đại gia bất động sản Ramon Abbas (người Nigeria).
"Công ty của tôi có chi nhánh ở Anh và Mỹ. Tại đó, chúng tôi có thể giới thiệu những câu chuyện về người châu Phi với hai nền văn minh lớn của thế giới", Abudu tự hào nói.
EbonyLife Media không phải đơn vị duy nhất được săn đón. Trong tháng 1, Amazon ký hai hợp đồng lớn với công ty sản xuất phim Inkblot Studios và Anthill Studios ở Nigeria. Disney+ dự kiến ra mắt tại lục địa đen trong năm nay, bắt đầu từ Nam Phi.
Theo Hollywood Reporter, "Nhà Chuột" đã bật đèn xanh bằng việc sản xuất bộ phim Kizazi Moto: Generation of Fire cùng xưởng phim hoạt hình Triggerfish Animation Studios có trụ sở ở Nam Phi, Nigeria, Kenya, Zimbabwe, Uganda và Ai Cập.
Amina phim Nigeria đầu tiên lọt danh sách top 10 phim toàn cầu của Netflix. Ảnh: Netflix. |
Tại Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Annecy, Disney công bố hình ảnh đầu tiên của Iwájú - series phim gắn liền với nền văn hóa Yoruba. Dự án được thực hiện bởi hãng Kugali Media của châu Phi. Bên cạnh đó, Disney còn ủng hộ nhiệt tình tác phẩm Greek Freak của đạo diễn người Nigeria, Akin Omotoso.
Báo cáo của Hollywood Reporter cho biết số người châu Phi đăng ký Netflix đang tăng. Vì thế, hãng quyết định cung cấp đa dạng nội dung liên quan đến văn hóa của lục địa này, ví dụ phim Queen Sono, Blood & Water, King of Boys: The Return of the King...
Từ năm 2020, "gã khổng lồ trực tuyến" chấp bút ký hợp đồng với UpperRoom Productions - xưởng phim của John Boyega - để sản xuất các phim không nói tiếng Anh lấy bối cảnh ở Tây và Đông Phi. Sau thành công của Amina - phim Nigeria đầu tiên lọt danh sách top 10 phim toàn cầu của Netflix - hãng đã xem châu Phi là "vùng đất vàng" cần được khai mở.
"Một sự thay đổi lớn đang diễn ra. Chỉ cách đây 3 đến 4 năm, tôi chật vật lắm mới bán được phim châu Phi cho nền tảng quốc tế, còn giờ thì không. Thông thường, tôi sẽ làm một bộ phim trong hai năm. Nhưng năm ngoái, tôi hoàn thành hai phim trong cùng năm", Kunle Afolayan - đạo diễn kiêm nhà sản xuất A Naija Christmas - hào hứng chia sẻ.
Ben Amadasun, Giám đốc phụ trách nội dung của Netflix tại châu Phi, nói qua Zoom: "Trước đây, những câu chuyện châu Phi được kể bởi người nước ngoài. Còn hiện tại, chúng tôi muốn giúp các tài năng địa phương mang câu chuyện của họ ra thế giới".
Lý do giúp phim ảnh châu Phi trỗi dậy
Ngoài những tiềm năng đáng giá, còn lý do khác khiến châu Phi trở thành mục tiêu được quốc tế săn đón.
Trên thực tế, lượng người đăng ký Netflix tại Bắc Mỹ đang trì trệ và tốc độ tăng trưởng ở nhiều vùng lãnh thổ, bao gồm cả Tây Âu, dần chậm lại. Nhưng châu Phi (đặc biệt là khu vực cận Sahara) được xem là "thị trường chưa được khai thác" - theo nhận định từ Tony Maroulis, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Ampere Analysis.
Ông đưa ra bằng chứng: "Bắc Mỹ có khoảng 50% hộ gia đình đăng ký Netflix, đây là con số khá ổn định. Tỷ lệ này chỉ dưới 1/3 và hơn 1/4 ở Tây Âu và Nam Mỹ. Trong khi xét đến khu vực châu Phi cận Sahara, con số này ít hơn 1%. Như vậy, có thể nói một số quốc gia châu Phi là vùng đất gần như mới mẻ hoàn toàn với OTT".
Tính đến năm 2022, Maroulis ước tính có khoảng 1,4 triệu người dùng đăng ký dịch vụ xem truyền hình trực tuyến tính phí (SVOD) ở châu Phi cận Sahara. Con số này dự kiến tăng lên 2,4 triệu năm 2026.
Digital TV Research, công ty thu thập dữ liệu có trụ sở tại London, tỏ ra lạc quan hơn. Họ ước tính hiện có 5,1 triệu người đăng ký SVOD ở châu Phi cận Sahara và sẽ tăng gần gấp 3, lên hơn 15 triệu cho đến năm 2027.
Tuy nhiên, ngay cả những con số lạc quan đến đâu cũng chỉ bằng một phần nhỏ so với lượng khán giả những nơi khác. Bằng chứng là Netflix đã có 73 triệu người dùng chỉ riêng ở Bắc Mỹ, 38 triệu người ở Mỹ Latinh.
Về mặt doanh thu, thị trường SVOD ở khu vực châu Phi cận Sahara trị giá 107 triệu USD vào năm 2021, không nhiều nếu so với 40 tỷ USD ở thị trường Bắc Mỹ.
Những nhân vật xuất hiện trong phim hoạt hình Kizazi Moto: Generation of Fire do Disney và Triggerfish Animation Studios phối hợp sản xuất. Ảnh: Nerdist. |
Theo Hollywood Reporter, rót vốn xây dựng nội dung châu Phi là một phần nhỏ trong chiến lược rộng hơn của các "ông lớn". Những công ty cạnh tranh trong lĩnh vực OTT muốn sao chép mô hình mà Netflix từng rất thành công: sản xuất nội dung địa phương cho khán giả địa phương.
Cụ thể, Disney+ đã bật mí loạt phim gốc mới tại châu Âu và châu Á bằng tiếng địa phương, từ phim Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản đến Indonesia. Amazon sản xuất phim truyền hình lớn ở Ấn Độ và Nhật Bản, gần đây còn tăng cường cam kết ở Đông Nam Á, mở văn phòng tại Singapore để điều phối hoạt động cấp phép và sản xuất cho khu vực. Các xưởng ở châu Âu, châu Á và Nam Mỹ của HBO Max đang tăng gấp đôi số lượng sản phẩm nói tiếng địa phương.
"Châu Phi chỉ là một phần của sự mở rộng toàn cầu này, một phần tương đối nhỏ", chuyên gia của Hollywood Reporter nhận định.
Phần lớn khoản đầu tư quốc tế vào nội dung châu Phi đang đổ dồn vào Nigeria, Nam Phi và Kenya - ba quốc gia sở hữu ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình tương đối phát triển có số dân nói tiếng Anh đông tại châu Phi.
Hiện chưa thể chắc chắn tương lai châu Phi sẽ ra sao, nhưng Mo Abudu tỏ ra lạc quan về con đường đang đi của ngành.
"Rồi cũng đến ngày người da trắng, tóc vàng không còn là khán giả điển hình của lĩnh vực phim ảnh. Nếu dịch vụ phát trực tuyến muốn thu hút khán giả toàn cầu, nếu họ muốn tiền của chúng tôi - những người da màu, họ phải sản xuất nội dung dành cho chúng tôi", bà Abudu nhấn mạnh.