Theo Insider, có gần 600 triệu người đăng ký dịch vụ xem trực tuyến trong năm 2021 - năm đầu tiên chứng kiến mọi công ty truyền thông nhảy vào cuộc chiến OTT đầy hấp dẫn.
Thống kê cho thấy HBO Max vươn lên mạnh mẽ với 73,8 triệu người đăng ký, Netflix tạo cú hích toàn cầu với tác phẩm Squid Game giữ ngôi quán quân trong top xem nhiều nhất ở 70 quốc gia, bao gồm Mỹ. Amazon không chịu thua khi chi 8,45 tỷ USD mua lại hãng MGM với kỳ vọng đưa Prime Video cạnh tranh với Netflix và Walt Disney.
2022 được dự đoán là năm thua lỗ của nhiều công ty vừa và nhỏ rót vốn vào OTT, nhưng sẽ là cơ hội quan trọng với những "ông lớn" trong việc chuyển hướng sang nền tảng kỹ thuật số.
Insider trò chuyện với nhóm nhà sản xuất, giám đốc điều hành, đại lý phân phối phim và nhà phân tích về xu hướng phát trực tuyến năm 2022.
Tăng lượng người đăng ký, nâng chất lượng phim
Financial Times ước tính các công ty truyền thông Hollywood sẽ chi 115 tỷ USD cho chương trình gốc (nội dung do nhà đài tự sáng tạo và sản xuất, không mua bản quyền từ kênh khác) vào năm nay nhằm thu hút tăng trưởng lượng người đăng ký. Hiện, mục tiêu chính trong cuộc chiến phát trực tuyến vẫn là so về số khách hàng.
Giám đốc điều hành Netflix, Walt Disney, Amazon... sẽ tập trung vào loạt tác phẩm gốc có kinh phí dù lớn hay nhỏ, tăng dịch vụ xem thể thao trực tuyến hoặc khởi động lại quá trình sản xuất nội dung dựa trên Sở hữu trí tuệ (IP) - theo dự đoán của Jonathan Carson, đồng sáng lập công ty dữ liệu Antenna.
Bàn về trải nghiệm xem thể thao trực tuyến, Peacock của NBCUniversal và Paramount+ do ViacomCBS sở hữu đã sớm đáp ứng nhu cầu người xem khi liên kết với dịch vụ video streaming WWE Network. Trong khi đó, Disney đi đầu trong thử nghiệm phát hành phim song song ở cả rạp lẫn trên Disney+.
Disney phát hành bom tấn Black Widow ở rạp và trên ứng dụng trực tuyến. Ảnh: Black Widow. |
"Người xem chỉ chú tâm vào các phim hạng A, trải nghiệm dịch vụ tốt hơn hoặc thưởng thức những nội dung cao cấp. Vì vậy, các hãng đang nghiên cứu tung ra gói đăng ký, khuyến mại mới hấp dẫn hơn", Carson nói.
Wared Seger - Giám đốc điều hành công ty dữ liệu đo lường nhu cầu của khán giả Parrot Analytics - đồng tình chia sẻ này. Ông còn nhấn mạnh phần đầu tư nội dung là "một trong những yếu tố chính giúp giữ chân người đăng ký".
Chủ tịch mạng truyền hình Epix, Michael Wright, nói chưa bao giờ những "gã khổng lồ phát trực tuyến" khao khát nội dung cao cấp đến vậy. Tuy nhiên, nếu không muốn khán giả hụt hẫng, họ cần đầu tư hơn vào nội dung và diễn viên.
"Điều quan trọng là phải nuôi dưỡng mối quan hệ với ngôi sao. Chỉ có họ mới tạo ra được những câu chuyện độc đáo và hấp dẫn khiến chúng ta trông đợi", Wright nhận định.
Những thay đổi được kỳ vọng
Tháng 5/2021, Amazon tuyên bố chi 8,45 tỷ USD mua lại hãng phim MGM. Đây là thương vụ mua lại lớn thứ hai trong lịch sử của hãng sau thương vụ mua Whole Foods trị giá 13,7 tỷ USD năm 2017.
Trong lúc chờ thỏa thuận được thông qua, giới chuyên gia tin rằng Amazon sớm trở thành đối thủ cạnh tranh với Netflix và Walt Disney. "Các đối thủ công nghệ như Apple và Roku có thể là đơn vị tiếp theo mua lại xưởng phim", Insider dự đoán.
Nhà phân tích công nghệ của Wedbush, Dan Ives, cho rằng studio mang tính kế thừa như Lionsgate hoặc studio độc lập A24 sẽ là mục tiêu thâu tóm của Apple. Dưới góc nhìn của Ives, Apple cần nội dung và studio đủ mạnh để tiến hành chiến lược mới.
Tuy nhiên, Wared Seger nói còn quá sớm để khẳng định Amazon x MGM hay Apple là mối đe dọa của thị trường OTT. Ông quan điểm: "Xây dựng thương hiệu là một chuyện, nhưng phải mất nhiều năm để nội dung gốc của bạn trở thành nhu cầu đủ quan trọng, thu hút và giữ chân người đăng ký".
Hãng MGM sản xuất độc quyền các tác phẩm về James Bond. Ảnh: Reddit. |
Trong thập kỷ đầu tiên chứng kiến sự ra đời và phát triển của OTT, chỉ số thành công được căn cứ vào lượng người đăng ký. Netflix đã nổi lên trong lĩnh vực này khi liên tục báo cáo mức tăng trưởng khách hàng khổng lồ. Từ đó, cổ phiếu của họ cũng tăng vọt.
Nay, với rất nhiều dịch vụ cung cấp các loại trải nghiệm phát trực tuyến khác nhau, Rameez Tase - CEO của công ty dữ liệu Antenna - hy vọng rằng thành công sẽ được đo lường theo cách khác.
"Việc kiếm tiền và giữ chân người dùng chưa được chú trọng nhiều. Tôi hy vọng các chỉ số như doanh thu trung bình trên mỗi người dùng và giá trị vòng đời khách hàng sẽ nâng tầm quan trọng trong toàn ngành", Tase chia sẻ.
"OTT không giết chết phim rạp"
Đại dịch Covid-19 dẫn đến nhiều thay đổi của phim chiếu rạp. Khán giả đã quen thưởng thức các tựa phim tại nhà, tiêu chuẩn 75 đến 90 ngày của phim rạp được rút xuống còn 45 ngày - tức một tác phẩm điện ảnh chỉ có thể tồn tại ngoài rạp trong 1,5 tháng.
Nhà sản xuất phim kỳ cựu Michael Shamberg chia sẻ: "Phim chiếu rạp bây giờ giống buổi biểu diễn ở Broadway. Khán giả sẽ không bao giờ hỏi: 'Nhà hát tối nay giới thiệu vở gì vậy? Tôi muốn đi xem'. Động lực duy nhất khiến họ nhấc chân ra khỏi nhà và đến rạp là bộ phim đó phải có những cảnh quay, sự kiện cực kỳ đáng giá. Nếu không, họ vẫn chọn xem phim trên OTT".
Trả lời Insider, giới quan sát không nghĩ sự lên ngôi của dịch vụ phát trực tuyến sẽ giết chết phim chiếu rạp. Bằng chứng nổi trội là Spider-Man: No Way Home vẫn thiết lập doanh thu phòng vé hơn 1,5 tỷ USD, dù được ra mắt trong thời điểm dịch bệnh và lỡ cơ hội phát hành tại Trung Quốc.