Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật sư nói gì về vụ kiện 'Thần đồng đất Việt' tranh chấp suốt 12 năm?

Các luật sư về sở hữu trí tuệ đã chia sẻ với Zing.vn quan điểm xung quanh vụ việc tranh chấp bản quyền giữa họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị kéo dài suốt 12 năm qua.

Mới đây, giới xuất bản Việt Nam xôn xao về vụ kiện giữa họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị liên quan đến bản quyền bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Vụ kiện đã được họa sĩ theo đuổi suốt 12 năm qua và đến ngày 28/12 mới được đưa ra xét xử công khai tại Tòa án Nhân dân quận 1, TP.HCM.

Bộ truyện tranh nổi tiếng Thần đồng đất Việt ra đời bởi sự hợp tác giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty TNHH TM DV KT & Phát triển tin học Phan Thị (công ty Phan Thị).

Tập đầu tiên ra mắt năm 2002. Theo tác giả Lê Linh, anh sáng tạo ra 78 tập truyện Thần đồng đất Việt từ năm 2002-2005. Đến hết tập 78, họa sĩ ngừng sáng tác Thần đồng đất Việt, tuy nhiên các tập tiếp theo của bộ truyện vẫn được phát triển bởi các họa sĩ khác hợp tác với Phan Thị.

Quyền nhân thân của tác giả được pháp luật bảo hộ vĩnh viễn

Trao đổi với Zing.vn về vụ kiện tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ, luật sư, thạc sĩ Luật Nguyễn Thị Kim Duyên, chị cho rằng ở Việt Nam có rất ít các phiên tòa liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Tranh chap than dong dat Viet anh 1
Bộ truyện Thần đồng đất Việt tranh chấp nhiều năm qua.

Ở vụ việc giữa họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị, luật sư Duyên cho rằng nếu họa sĩ Lê Linh thật sự là người sáng tạo ra bộ truyện Thần đồng đất Việt thì quyền đứng tên tác giả đương nhiên thuộc về họa sĩ. Theo khoản 1, điều 27 Luật sở hữu trí tuệ thì quyền nhân thân được bảo hộ suốt đời. 

Luật sư Duyên cho biết thêm, trong quyền tác giả, bên cạnh quyền nhân thân, còn có quyền tài sản của chủ sở hữu. Ở trường hợp của Thần đồng đất Việt, nếu công ty Phan Thị bỏ tiền đầu tư, đặt hàng tác giả viết, thuê họa sĩ làm theo yêu cầu thì quyền tài sản, chủ sở hữu thuộc về công ty. Theo đó, họ có quyền khai thác, thu lợi nhuận, thực hiện tác phẩm phái sinh theo quy định tại Điều 20, Luật sở hữu trí tuệ.

"Nếu họa sĩ độc lập sáng tác ra tác phẩm, và ký hợp đồng với công ty chỉ để xuất bản, phát hành và phân chia lợi nhuận theo tỉ lệ trong hợp đồng thì theo luật, quyền nhân thân và quyền tài sản, sở hữu tác phẩm hoàn toàn thuộc về họa sĩ", luật sư Duyên nói.

Về việc bà Phan Thị Mỹ Hạnh đăng ký bản quyền bộ Thần đồng đất Việt, trong đó tác giả mang tên mình, luật sư Đào Thúy Hoàn cho rằng chưa thể khẳng định bà Hạnh và công ty Phan Thị có xâm phạm hay không. 

Tranh chap than dong dat Viet anh 2
Họa sĩ Lê Linh tóm tắt vụ việc trên trang cá nhân.

"Theo luật, quyền nhân thân của tác giả được bảo vệ vô thời hạn nhưng vì lý do nào đó họ chưa đăng ký bản quyền thì bị người khác xâm phạm. Lúc đó, tác giả phải chứng minh với tòa án mình là tác giả thật sự của tác phẩm. Nếu chứng minh được, cục bản quyền sẽ hủy giấy đăng ký bản quyền của người sai phạm. Trường hợp vụ việc phức tạp, cục bản quyền không giải quyết được thì thanh tra văn hóa của bộ sẽ vào cuộc", luật sư Hoàn nhấn mạnh.

Tại sao vụ việc dân sự kéo dài 12 năm mới được đưa ra xét xử?

Vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu giữa họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị cũng khiến mọi người khó hiểu về trình tự tố tụng dân sự khi kéo dài hơn 12 năm. Luật sư Nguyễn Thị Kim Duyên cho hay trong luật tố tụng dân sự có quy định thời gian cụ thể của mỗi quá trình tố tụng nhưng không phải cứ kéo dài là vi phạm thủ tục tố tụng.

Chị cho biết luật cũng có điều khoản loại trừ, đó là trường hợp bằng chứng cung cấp chưa rõ ràng, cần trưng cầu giám định ý kiến của chuyên gia, thì sẽ được phép gia hạn thời gian. Ngoài ra, nguyên đơn và bị đơn, được sự tư vấn của luật sư, cũng có thể sử dụng những quy định mà pháp luật cho phép nhằm kéo dài thời gian tố tụng như xin vắng mặt với lý do chính đáng, yêu cầu trưng cầu giám định...

Về mức phạt với cá nhân, đơn vị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, luật sư Duyên cho hay được quy định tại nghị định 131/2013/NĐ-CP. Theo đó, với hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng và buộc phải cải chính, đặt lại đúng tên (Điều 9). Nếu xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm bị phạt từ 3-5 triệu đồng (Điều 10). 

Trong đơn gửi tòa án, họa sĩ Lê Linh gửi đơn kiện công ty Phan Thị, yêu cầu công nhận anh là tác giả duy nhất với các hình vẽ các nhân vật truyện tranh trong Thần đồng đất Việt. Trong hồ sơ đăng ký bản quyền mà phía Phan Thị đưa ra, anh là đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh, giám đốc công ty Phan Thị.


Vụ kiện tác quyền ‘Thần đồng đất Việt’ ra tòa sau 12 năm tranh chấp

Họa sĩ Lê Linh cho biết vụ tranh chấp quyền tác giả bộ truyện tranh nổi tiếng “Thần đồng đất Việt” sẽ được tòa phân xử vào ngày 28/12 tới.

‘Thần đồng đất Việt’ giữ kỷ lục phát hành trong truyện tranh Việt Nam

Không chỉ giữ kỷ lục là bộ truyện dài hơi nhất, “Thần đồng đất Việt” còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả, ảnh hưởng trong cộng đồng yêu thích và sáng tác truyện tranh.

Bích Hằng

Bạn có thể quan tâm